Doanh nghiệp gạo lao đao giữ lợi nhuận
Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 7 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam
Xuất khẩu gạo đang giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, khiến nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo đang lao đao. Vì vậy muốn tồn tại, giữ và tăng được lợi nhuận, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải cơ cấu lại các sản phẩm, tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 4 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu 2,02 triệu tấn gạo, đem về 865 triệu USD. Trong tháng 5/2019, ước xuất khẩu hơn 600.000 tấn gạo, với giá trị hơn 250 triệu USD. Tính trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo giảm 8% về khối lượng và giảm 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Hiện Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần.
Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh
Xét về chủng loại xuất khẩu đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 48,8% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 27,6%; gạo nếp chiếm 6,9% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 6,7%.
Việc kim ngạch xuất khẩu gạo giảm mạnh chưa phải là điều đáng lo nhất, quan ngại nhất là Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong danh sách các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam. Nhiều năm liền từ 2011-2017, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến khoảng 35-40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong số 5,89 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2017, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,2% thị phần. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn, nhưng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 95,14% về lượng và 95,48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này chưa đạt 30 triệu USD, quá nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo 1,12 tỷ USD trong thời gian này.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Điều đáng nói, trong số 156 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, từ cuối năm ngoái đến nay, Trung Quốc chỉ cấp giấy phép cho 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào nước này. Để có "giấy thông hành" đưa gạo vào Trung Quốc, tất cả các lô gạo phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng, từ vùng trồng, nhà máy sản xuất cho đến kho bãi và công tác khử trùng, trước khi gạo được xuất khẩu.
Ngoài ra, phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu. Trường hợp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm
Song song với tình hình xuất khẩu giảm sút, kết quả kinh doanh ngành gạo cũng không mấy khả quan khiến cho lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo giảm sút. Đã có nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ. Trong đó, doanh nghiệp đầu đàn là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa có công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho giai đoạn từ 9/10-31/12/2018, trong đó đưa ra con số lỗ 1.485 tỷ đồng vì hàng tồn kho "bốc hơi" và nhiều giao dịch khống khó thu hồi. Đây là kỳ kế toán đầu tiên của TCT sau khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Tính đến 31/12/2018, Vinafood 2 đang có lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với doanh thu thuần đạt 1.568 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 21%, xuống 58,3 tỷ đồng; biên lợi nhuận mảng gạo giảm mạnh từ 7,6% xuống 2,8%.
Dù các loại chi phí đều giảm nhẹ nhưng chi phí lãi vay của Lộc Trời lại ghi nhận 45 tỷ đồng, tăng 50%. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này đến từ việc dư nợ vay ngắn hạn tăng lên 3.144 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh đã âm liên tiếp 2 năm và tiếp tục âm trong quý 1/2019.
Trong một thông báo mới đây của Công ty Vĩnh Hoàn, công ty này đã quyết định giải thể Công ty TNHH lương thực Vĩnh Hoàn 2. Đây là doanh nghiệp trái ngành của Vĩnh Hoàn, phát sinh trong thời điểm "nhà nhà buôn gạo, người người buôn gạo", nhưng tình hình kinh doanh lại không được như kỳ vọng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo khác cũng báo cáo lỗ và quyết định chuyển hướng từ kinh doanh gạo sang kinh doanh phân bón.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải cơ cấu lại các sản phẩm xuất khẩu, tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ.