Doanh nghiệp kêu phiền toái vì Bộ Nông nghiệp kiểm tra chồng chéo
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chồng chéo, gây khó khăn
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) ngày 6/12, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng kiểm tra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chồng chéo, gây khó khăn.
Ông Lê Giang - đại diện Công ty TNHH Vĩnh An, cho hay, việc kiểm tra nguyên liệu chẳng những khiến công ty mất thời gian mà còn tốn nhiều chi phí.
Cụ thể, từ năm 2013 tới nay, doanh nghiệp này đã mất gần 1 tỷ đồng cho chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tính trung bình, mỗi năm mất khoảng 300 triệu đồng.
Hơn thế nữa, chi phí kiểm tra còn tính trên giá trị lô hàng. Chi phí kiểm tra độ đạm mất khoảng 350.000 đồng mỗi lần, nhưng cơ quan quản lý thu phí tính trên giá trị lô hàng, ví dụ lô hàng trị giá nửa triệu USD mất khoảng 9 triệu đồng tiền phí.
Mặt khác, cùng một con tàu, cơ quan quản lý chỉ lấy 1-2 mẫu, tuy nhiên tàu đó chở hàng cho khoảng 60 chủ hàng, thì vẫn lấy phí của tất cả 60 chủ hàng đó, nhiều trường hợp chi phí cả tàu lên tới 1 tỷ đồng.
Thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, tức 3 ngày. Điều này dẫn đến chi phí lưu kho lưu bãi của các doanh nghiệp là "khủng khiếp".
"Mà nói thật là theo chúng tôi biết, thì họ không kiểm tra gì cả. Ví dụ chỉ tiêu về đạm, chỉ cần lệch nhau nửa độ đạm thì các doanh nghiệp đã nhảy lên rồi, nhưng kết quả kiểm tra họ lệch tới 3 độ. Khi chúng tôi kêu thì các ông ấy chỉnh sửa, lại đúng", ông Giang nêu thực tế.
Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp đau đầu là tình trạng kiểm tra chồng chéo. Các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vừa bị cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, vừa bị các cơ quan kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật kiểm tra.
"Ở các cảng phía Nam thì việc kiểm dịch rất nhanh, sáng hàng đến thì chiều thông quan, nhưng ở cảng Hải Phòng thì phải mất 48 tiếng mới cấp chứng thư. Thời gian kéo dài lê thê, mệt mỏi vô cùng, nhất là nếu trùng thứ Bảy, Chủ Nhật", ông Giang bức xúc.
Cùng ý kiến với ông Giang, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thường có khối lượng rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tấn, nếu thời gian làm thủ tục kéo dài thì chi phí rất lớn, chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng, rất phiền toái cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận, trong việc quản lý vật tư nông nghiệp đang có sự chồng chéo giữa các đơn vị kiểm tra chất lượng, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật trong cùng Bộ.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan và thống nhất theo hướng một mặt hàng thì chỉ một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác phối hợp và chỉ lấy mẫu 1 lần", bà nói.
Bà Kim Anh cũng cho biết Bộ sẽ kiểm tra lại những phản ánh của doanh nghiệp, nếu đúng sẽ cương quyết chấn chỉnh.
"Sang tuần tới, chúng tôi sẽ đi kiểm tra ở Hải Phòng và Quảng Ninh, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp của anh Lê Giang. Bộ đã hứa là sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ sẽ làm", Vụ trưởng Vụ Pháp chế cam kết.