20:46 19/09/2018

Doanh nghiệp Nhà nước chiếm nguồn vốn lớn, chủ yếu là vốn vay

HẠNH NGUYÊN

Dù chiếm nguồn vốn lớn trong nền kinh tế song hiệu suất sinh lời của khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại không cao so với quy mô vốn

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo tại buổi Họp báo công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 diễn ra ngày 19/9, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp, chỉ với 0,5% nhưng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn toàn bộ khu vực doanh nghiệp, cao hơn nguồn vốn của khu vực FDI. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tới 53,3% tổng nguồn vốn, nhưng số lượng các doanh nghiệp loại hình này chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp.

Dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu là vốn vay. Vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm khoảng 23,2%, trong khi tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 30,7% và khu vực doanh nghiệp FDI là gần 40%.

Hiệu suất sinh lời của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng không cao so với quy mô vốn. Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 của doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1,4%. Cao nhất là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI có hiệu suất sinh lời lên đến 6,9%. 

Xét về hiệu suất sinh lời trên doanh thu, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước là hai loại hình doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016 đạt khá cao với 6,7% và 6,6%. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt thấp nhất với 1,9%.

Về mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách của các doanh nghiệp, thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu với trung bình 104 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI là 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo này, dù khu vực FDI đóng góp vào ngân sách còn thấp, trung bình chỉ bằng 17% so với một doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, đây lại là khu vực tuyển dụng lao động nhiều nhất và liên tục tăng trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017.

Tại thời điểm đầu 2017, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm đầu năm 2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017, mỗi năm doanh nghiệp Nhà nước giảm 4% về số doanh nghiệp và 5,1% về số lao động.

Trong khi đó, đầu năm 2017, số doanh nghiệp FDI tăng tới 54% và lao động trong khu vực này tăng tới 62,8% so với đầu năm 2012. Bình quân trong giai đoạn 2012-2017, số doanh nghiệp FDI tăng tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với doanh nghiệp Nhà nước.

Số doanh nghiệp ngoài nhà nước tại thời điểm đầu năm 2017 tăng 52,3% và lao động tăng 27,9%. Bình quân năm giai đoạn 2012-2017 số doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,8% và lao động tăng 5%.