Doanh nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt "cuộc chơi M&A"
Các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn 77% là của các doanh nghiệp nước ngoài
Sản xuất công nghiệp được đánh giá là ngành có cơ hội thu hút đầu tư lớn thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, nhận định, trong thời gian tới, cần có biện pháp đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012. 11 tháng năm 2017 ngành này đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Nhiều thương vụ M&A đình đám
Tại hội thảo "Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A" ngày 19/12, ông Phú cho biết, thị trường M&A Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài, tiêu biểu có thể kể đến như: Tập đoàn SCG và Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty thực phẩm Cầu Tre, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia, hay Công ty Daesang và Công ty Thực phẩm Đức Việt.
Đặc biệt, chiều 18/12, Công ty ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua lại 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. "Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp", ông Phú nhận định.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hoá mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất...
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt cuộc chơi M&A, bởi hiện nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn 77% là của các doanh nghiệp nước ngoài do họ có lợi thế về vốn và đã đi trước Việt Nam từ rất lâu.
Tuy nhiên, theo ông Phú, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó. Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vậy, với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, ông Phú cho rằng công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức M&A trong thời gian tới sẽ cần chú trọng hơn nữa tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước.
Để M&A thành công
Nhận định ngành công nghiệp Việt Nam đang là ngành hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, cho biết tính đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư...
Song một số ý kiến cho rằng, có một vướng mắc chung khi tiến hành M&A tại Việt Nam hiện nay là: pháp lý, tính minh bạch trung thực và định giá doanh nghiệp. Các quy định pháp luật hiện hành không rõ ràng trong việc quy định tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam thường định giá mua bán trên số tiền mà họ đầu tư, không dựa trên giá thị trường của doanh nghiệp. Họ chưa có sự hình dung rõ ràng trong định giá tài sản vô hình như công nghệ, thương hiệu, kinh nghiệm, bí quyết...
Do đó, Chính phủ cần có sự hỗ trợ chính sách đất đai, tiền sử dụng đất để các doanh nghiệp giảm bớt chi phí sử dụng hạ tầng, tăng cường vào chi phí đầu tư công nghệ.
Để M&A thành công, ông Seck Yee Chung, Công ty luật TNHH Baker& McKenzie cho rằng, các nhà đầu tư rất cần những thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp để đưa ra quyết định một cách cẩn trọng, họ "tránh ngủ chung 1 giường nhưng mơ những giấc mơ khác nhau".