Doanh nghiệp sẽ được "linh hoạt" ban hành gói cước viễn thông di động?
Các doanh nghiệp viễn thông sắp tới đây rất có thể sẽ được "linh hoạt" ban hành các gói cước viễn thông di động
Thay vì phải thông báo, đăng ký giá cước với cơ quản quản lý thì tới đây các doanh nghiệp viễn thông có thể được chủ động ban hành gói cước.
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong phản hồi liên quan đến đơn kiến nghị của Công ty Cổ phần Viễn thông Di động (Vietnamobile) lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, đã đề cập tới định hướng quản lý giá cước trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Cục Viễn thông, trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển mạnh từ hình thức tiền kiểm hiện nay sang hậu kiểm. Bộ sẽ điều chỉnh trong dự thảo thay thế Nghị định 25/2011/NĐ-CP đang trình Chính phủ với dự kiến bãi bỏ các quy định về đăng ký, thông báo giá cước cũng như việc quản lý giá trung bình dịch vụ viễn thông để quản lý theo Luật Giá vá các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cục cho biết các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động ban hành các gói cước phù hợp với nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng.
Theo quy định hiện hành, trước khi ban hành một giá cước (gói cước) mới, các nhà mạng không có thị phần thống lĩnh (dưới 30%, thường được gọi là các mạng di động nhỏ) sẽ phải thông báo với Cục Viễn thông, còn các nhà mạng có thị phần thống lĩnh (trên 30% và thường gọi là mạng lớn) sẽ phải đăng ký gói cước (trong đó không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành) và phải được Cục Viễn thông chấp thuận bằng văn bản thì doanh nghiệp có thị phần thống lĩnh này mới được cung cấp gói cước ra thị trường.
Cũng vì quy định trên mà nhiều năm qua, các nhà mạng lớn rất nhiều lần than phiền rằng, họ bị hạn chế cạnh tranh với các nhà mạng nhỏ, không được chủ động và linh hoạt đưa các gói cước giá rẻ (theo quy định) tới người dùng, làm chậm hoặc mất đi các cơ hội kinh doanh.
Nếu chính sách trên được thực thi, đặc biệt là quy định tiền kiểm sang hậu kiểm thì "đường đi" của các gói cước viễn thông đến tay người tiêu dùng sẽ hoàn toàn được "cởi trói". Khi đó, dự báo thị trường viễn thông di động sẽ sôi động và cạnh tranh quyết liệt hơn, các gói cước cũng sẽ phong phú, đa dạng, cạnh tranh hơn.
Mặt khác, khi doanh nghiệp lớn được chủ động ban hành giá cước, gói cước, thì đây cũng sẽ là áp lực cạnh tranh mới đối với các doanh nghiệp nhỏ không có vị trí thống lĩnh.
Tính từ thời điểm tháng 6/2015 đến nay, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 15, thì chỉ còn duy nhất Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet. Trong khi trước đó, song hành ở vị trí thống lĩnh luôn có cả VinaPhone và MobiFone.
Được biết trong dự thảo thay thế Nghị định 25/2011/NĐ-CP mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ cũng đề cập thêm nhiều yếu tố để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, như: có tổng tài sản trong Báo cáo tài chính của năm kế trước chiếm từ 30% trở lên trên tổng tài sản trong Báo cáo tài chính của năm kế trước của tất cả các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường; có dung lượng đường trục Bắc Nam chiếm 30% tổng dung lượng đường trục Bắc Nam của các doanh nghiệp.
Hay có số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp thiết lập chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do các doanh nghiệp thiết lập trên thị trường; chiếm giữ từ 30% trở lên trên tổng số trạm gốc vô tuyến mạng thông tin di động mặt đất…
Với những quy định trên nếu được thông qua, VNPT-VinaPhone và MobiFone gần như chắc chắn sẽ trở lại vị trí thống lĩnh thị trường cùng với Viettel.