17:20 21/07/2016

“Cần một tổ chức kinh doanh mạnh để quản tài sản Nhà nước”

Hoàng Mai

Một góc nhìn về dự kiến thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh).<br>
TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh).<br>
“Cá nhân tôi ủng hộ Việt Nam nên có một tổ chức kinh doanh mạnh để quản lý tài sản Nhà nước. Nhưng điều quan trọng là sự tách biệt giữa yếu tố Nhà nước - làm chính sách và giám sát - với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông”, TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh) nhìn nhận về dự kiến thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nên lưu ý mô hình Temasek


Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định về các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Theo đó, Chính phủ sẽ thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về kế hoạch này?

Tôi thấy báo chí đưa tin về dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, trong đó đề xuất thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Chưa rõ nó sẽ cấu trúc và hoạt động thế nào, nên tôi không dám bình luận sâu. Nhưng từ “ủy ban” gợi ý rằng nó sẽ mang dáng dấp “Nhà nước” hơn là một tổ chức kinh doanh. Và nếu vậy, theo tôi, nó sẽ lại thất bại, và tài sản tốt có thể sẽ bị thất thoát.

Cá nhân tôi ủng hộ Việt Nam nên có một tổ chức kinh doanh mạnh để quản lý tài sản Nhà nước. Nhưng điều quan trọng là sự tách biệt giữa yếu tố Nhà nước - làm chính sách và giám sát - với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông.

Nên chăng, lập một công ty đầu tư kiểu Temasek của Singapore, với hội đồng quản trị và lãnh đạo, nhân viên đều được tuyển chọn công khai với đãi ngộ tốt theo kết quả kinh doanh.

Những cá nhân xuất sắc cụ thể đó sẽ đại diện vốn tại các công ty có vốn Nhà nước, thay vì các quan chức.

Khi đó, Chính phủ chỉ cần giám sát kết quả kinh doanh của công ty đầu tư đó thông qua các chỉ tiêu định trước, trong đó có lợi nhuận nộp ngân sách, thế là đủ. Không cần phải điều quan chức sang lãnh đạo, vì họ sẽ làm cho mâu thuẫn doanh nghiệp kinh điển trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với việc nó xảy ra tại một công ty thông thường

Quá trình cổ phần hoá tại Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn và tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty. Khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước lúc này chỉ là một cổ đông, nên việc tương tác với các cổ đông khác như thế nào?

Nhà nước được hiểu là người làm chính sách và giám sát chính sách. Do vậy, là một cổ đông, họ cần phải tách biệt chức năng này.

Một cách đơn giản, họ có quyền và nghĩa vụ theo tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là những người đại diện vốn Nhà nước thường có xu hướng nghĩ rằng họ nắm toàn bộ vận mệnh doanh nghiệp hoặc ở một trạng thái khác là họ thờ ơ không quan tâm để quyền lợi Nhà nước bị mất mát dần.

Trong cả hai thái cực đó, tổn thất cuối cùng là doanh nghiệp, cổ đông, trong đó có Nhà nước và cán bộ nhân viên. Tất nhiên có nhiều cá nhân được hưởng lợi một cách không minh bạch.

Cần đúng nghĩa một tổ chức kinh doanh

Ông có khuyến nghị gì đối với Nhà nước là cổ đông?

Nhà nước là cổ đông thì đơn giản họ là cổ đông. Nhưng khác cổ đông thông thường ở chỗ người đại diện cổ đông Nhà nước là một người làm thuê, không phải tiền của họ.

Thông lệ đơn giản nhất cho việc này là thuê người giỏi về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp làm đại diện, đãi ngộ cho họ xứng đáng thay vì cử những quan chức ngồi đại diện theo hình thức hành chính.

Ông đánh giá thế nào về sự tính hiệu quả của một tổ chức kinh tế làm cổ đông thay vì cơ quan Nhà nước?

Một tổ chức kinh doanh đúng nghĩa là điều cần thiết. Tổ chức này phải tách biệt khỏi vấn đề tạo lập chính sách và giám sát đặc trưng của các cơ quan Nhà nước.

Temasek của Singapore có thể là một ví dụ điển hình cho điều này. Quan trọng nhất vẫn là con người.

Họ phải là những người kinh doanh thực sự. Họ không nên là các quan chức, vì như thế làm cho mâu thuẫn sở hữu kinh điển giữa chủ sở hữu và người đại diện càng lớn và càng làm cho tổn thất lớn hơn.

Tổ chức kinh doanh đó có thể báo cáo Chính phủ thông qua các chỉ tiêu về kết quả kinh doanh, từ đó đóng góp vào ngân sách Nhà nước như thế nào.

Tôi tin là nếu Chính phủ thành lập một công ty như thế và công khai tuyển chủ tịch, hội đồng quản trị và ban lãnh đạo giỏi thay vì cử người này người kia, Nhà nước sẽ giữ gìn được những tài sản tốt sinh lời bền vững.