22:40 29/07/2013

Chiếc đũa thần quyền năng ESOP

Thành Trung

Đối với các công ty đa quốc gia lớn, ESOP đã trở thành một công cụ cực kỳ lợi hại

Có lẽ không quá sớm để nhận định, ESOP đang trên đà “lên ngôi” trong
 những công ty niêm yết của Việt Nam theo xu hướng chung trên thế giới.
Có lẽ không quá sớm để nhận định, ESOP đang trên đà “lên ngôi” trong những công ty niêm yết của Việt Nam theo xu hướng chung trên thế giới.
Có điểm chung trong việc phát hành cổ phiếu của một số công ty niêm yết lớn ở Việt Nam gần đây, đó là đặt trọng tâm vào kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty (ESOP).

ESOP là khái niệm quen thuộc với giới tài chính thế giới. Đó là dạng viết tắt của cụm từ “Employee Stock Ownership Plan”, tức kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty.

Nôm na là cổ phiếu của một công ty được bán với giá ưu đãi cho các nhân viên xuất sắc, nhà quản lý giỏi, người lao động theo các tiêu chí lựa chọn của công ty. Nếu coi doanh nghiệp là con tàu, người lao động là thủy thủ, thì ESOP giống như chiếc mỏ neo, giữ cho tàu an toàn và “thủy thủ” không “nhảy” sang tàu khác.

Cũng có thể ví nó như chiếc đũa phép quyền năng, có thể đem lại nhiều điều kỳ diệu cho doanh nghiệp mà dưới đây là một vài ví dụ.

Giữ người tài, gia tăng tài sản

Các tập đoàn lớn trên thế giới đều sử dụng ESOP như một quân bài chiến lược để giữ người tài. Hai năm trước, người khổng lồ công nghệ Google trao tặng Neal Mohan – một nhà quản lý quảng cáo trực tuyến rất giỏi của hãng, một lượng cổ phiếu có giá trị lên tới 100 triệu USD. Kể cũng rất xứng đáng.

Một vài thành tích chính của Mohan bao gồm việc giúp công ty đi đúng hướng, tránh mắc sai lầm trong chiến lược M&A như các đối thủ Yahoo và Microsoft. Năm 2007, Yahoo mua công ty Right Media với giá 680 triệu USD, còn Microsoft mua aQuantative với giá 6,3 tỉ USD.

Đến năm 2012, Microsoft đã phải công bố thương vụ M&A đình đám nói trên đã bị phá sản, đồng thời ghi nhận giá trị còn lại của thương vụ này chỉ còn vỏn vẹn 100 triệu USD. Yahoo cũng không khá hơn, khi toàn bộ đội ngũ quản lý cấp cao của Right Media trước kia đã ra đi trong 2 năm và Marissa Mayer, CEO hiện tại của Yahoo đang tính đến phương án chia nhỏ Right Media ra để bán lại.

Google may mắn hơn khi có Neal Mohan. Cũng với các thương vụ M&A, nhưng lại mang đến tin vui cho Google . Ông giúp công ty này mua Invite Media với mức giá rất hời, chỉ có 85 triệu USD. Invite Media là một trong những công ty đầu tiên tạo ra sản phẩm mà giới chuyên môn gọi là “nền tảng của bên mua” (demand-side platform) nhằm hỗ trợ giao dịch theo thời gian thực (real-time bidding).

Không chỉ có vậy, theo trang businessinsider.com, trước đó, năm 2008, Mohan đóng vai trò chủ chốt trong giao dịch Google mua lại DoubleClick với giá 3 tỉ USD. Apple cũng dùng “chiếc mỏ neo” này để giữ cố CEO của hãng, Steve Jobs. Từ năm 1997, mức lương của Jobs ở Apple chỉ được trả tượng trưng là 1 USD/năm.

Lương bèo bọt, nhưng ông được công ty trả cho 5,4 triệu cổ phần ESOP vào năm 2003, sau 6 năm cống hiến miệt mài cho Apple. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho công lao của Jobs: đưa Apple thoát khỏi bờ vực thất bại; trở thành công ty công nghệ thành công nhất thế giới. Steve Jobs không bán các cổ phần này cho tới khi ông qua đời. Khi ông mất, thị giá của số cổ phần ESOP này đã tăng lên gần 2 tỉ USD.

Tại Coca Cola, chương trình ESOP là sự phản chiếu rõ nhất việc chế độ đãi ngộ tốt dành cho các nhà quản lý luôn mang lại lợi nhuận lớn cho công ty. Hiện nay, Tổng giám đốc Muhtar Kent có mức lương hàng năm dao động từ 1,2 triệu USD đến 1,5 triệu USD. Trong làng CEO toàn cầu, đây là con số rất khiêm tốn so với vị trí và trách nhiệm của Kent tại công ty.

Tất nhiên, ban lãnh đạo Coca Cola không để nhà điều hành cao nhất của họ chịu thiệt. Thông qua ESOP, họ trả cho Muhtar Kent khoản thưởng từ 25 đến 30 triệu USD mỗi năm cho việc ông đã giúp đẩy thị giá của công ty này từ mức 118 tỷ USD vào tháng 7/2008 tăng lên tới 168 tỷ USD tháng 2/2013.

Quả thực, đối với các công ty đa quốc gia lớn, ESOP đã trở thành một công cụ cực kỳ lợi hại.

ESOP bắt đầu lên ngôi ở Việt Nam


Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Mới đây, Công ty Đường Quảng Ngãi (QNS) đã phát hành 4,64 triệu cổ phần ESOP cho 220 nhân viên của họ với mức giá phát hành khá cao là 36.700 đồng/cổ phần.

Tỷ lệ phần trăm cổ phần phát hành theo chương trình ESOP là 5% và số lượng cổ phần bán được là khá lớn, thu về tổng cộng 170 tỉ đồng cho công ty. Như vậy, tính ra trung bình một nhân viên của Đường Quảng Ngãi góp tới hơn 770 triệu đồng vào công ty, trong đó 44 người giữ chức vụ cao nhất đã góp trên 1,08 tỉ đồng một người. Có 8 người góp 807 triệu, còn lại 168 người góp trung bình 605,6 triệu đồng/người.

Một trường hợp tiêu biểu về vai trò then chốt của ESOP đối với khả năng huy động vốn của doanh nghiệp là Masan Group (MSN). Bất chấp giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhưng ngày 31/5/2013, tập đoàn này đã phát hành được 17,8 triệu cổ phần ESOP trong số 20 triệu cổ phần dự kiến phát hành trước đó cho 28 nhân viên (đạt tỷ lệ 2,6% số cổ phần phát hành theo ESOP) với mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần.

Phía Masan giải thích, mục đích của đợt phát hành nhằm ghi nhận kết quả làm việc của các nhà quản lý và người lao động có nhiều đóng góp cho Masan hoặc các công ty con của họ kể từ khi niêm yết. Giá cổ phần trên thị trường của MSN tại thời điểm phát hành là 110.000 đồng/cổ phần và tổng trị giá thị trường của cổ phần ESOP phát hành đạt 1,9 nghìn tỉ đồng.

Tiếp sau các doanh nghiệp tiên phong như Masan, nhiều doanh nghiệp như: Thủy sản Hùng Vương (HVG), SSI, VNG, ABT (Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre), ITA… cũng đã phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP.

Có lẽ không quá sớm để nhận định, ESOP đang trên đà “lên ngôi” trong những công ty niêm yết của Việt Nam theo xu hướng chung trên thế giới.

(Nguồn: Doanh Nhân)