19:51 25/10/2012

Chủ tịch Vingroup, “tỷ phú ẩn danh”

An Huy

Theo tính toán của Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu số tài sản ròng trị giá 1,3 tỷ USD

Cho đến nay, ông Vượng chưa từng xuất hiện trên các xếp hạng tỷ phú của thế giới - Ảnh: Bloomberg.<br>
Cho đến nay, ông Vượng chưa từng xuất hiện trên các xếp hạng tỷ phú của thế giới - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hãng tin tài chính Bloomberg hôm nay (25/10) có đăng một bài viết về doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Trong bài viết này, ông Vượng được giới thiệu là đã vươn lên trở thành tỷ phú USD với bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền ở Ukraina và sau đó đã sáng lập nên công ty bất động sản lớn nhất ở Việt Nam.
 
Năm nay 44 tuổi, ông Vượng đang xây dựng 8 dự án bất động sản đa năng tại các vị trí đắc địa ở Việt Nam với tổng chi phí dự kiến hơn 4 tỷ USD. Ông còn muốn làm giầu hơn nữa cho công ty của mình bằng cách bán các căn hộ trung - cao cấp cho người dân muốn đa dạng hóa các tài sản nắm giữ chứ không còn chỉ giữ  tiền mặt và vàng như trước nữa, Bloomberg cho biết.
 
"Người dân Việt Nam hiện đang còn đang giữ một lượng vàng lớn. Người Việt Nam có một điểm tương đồng với người Trung Quốc, đó là họ không thể cứ giữ vàng dưới chân giường mãi được. Thế nào rồi cũng có lúc họ  sẽ phải lấy ra và mang đi đầu tư. Và điều này sẽ giúp cho thị trường bất động sản bùng nổ", ông Vượng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Bloomberg.

Chủ tịch Vingroup, “tỷ phú ẩn danh” - Ảnh 1Nếu anh đưa cho tôi 10 tỷ USD, tôi sẽ dùng tất cả số tiền đó đầu tư vào xây dựng vì còn quá nhiều thứ phải xây. Nhu cầu tại Việt Nam vẫn rất lớn. Ông Phạm Nhật Vượng

Doanh nhân này và vợ, bà Phạm Thu Hương, hiện nắm giữ khoảng 50% số cổ phiếu của Vingroup, doanh nghiệp lớn thứ 5 ở Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường. Bởi vậy mà tiêu đề bài viết của Bloomberg gọi ông là “tỷ phú ẩn danh của Việt Nam”. Cho đến nay, ông Vượng chưa từng xuất hiện trên các xếp hạng tỷ phú của thế giới, Bloomberg cho biết.

Vingroup hiện đang có kế hoạch huy động khoảng 300 triệu USD vào năm sau thông qua việc chào bán và niêm yết cổ phiếu của công ty tại Singapore để bổ sung vốn cho việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Năm ngoái, Vingroup đã gác lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thị trường Singapore sau khi chỉ số Straits Times Index của thị trường này giảm 17%.
 
"Nếu anh đưa cho tôi 10 tỷ USD, tôi sẽ dùng tất cả số tiền đó đầu tư vào xây dựng vì còn quá nhiều thứ phải xây. Nhu cầu tại Việt Nam vẫn rất lớn", ông Vượng nói với phóng viên của Bloomberg.

Tỷ phú này cũng cho biết, ông có tham vọng xây các dự án địa ốc ở Singapore và Hồng Kông, nơi có những công ty bất động sản vào hàng lớn nhất của châu Á.
 
Trước đây, ông Vượng theo học ngành kinh tế địa chất thuộc Đại học Địa chất Moskva tại Nga. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển tới Ukraine, thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom. Công ty này sản xuất hơn 100 sản phẩm khác nhau, từ mỳ ăn liền tới khoai tây nghiền.
 
Vào năm 2010, ông bán LLC Technocom cho tập đoàn Nestle SA, mức giá bán không được tiết lộ. Ở thời điểm đó, công ty này có mức doanh thu trên 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ông Vượng từ chối bình luận về giá bán do thỏa thuận về bảo mật giữa hai bên.

Ông Vượng bắt đầu đầu tư về Việt Nam từ năm 2001. Đó cũng là thời điểm mà ông thành lập nên công ty du lịch khách sạn mang tên Vinpearl. Năm 2002, ông thành lập Vincom, công ty chuyên phát triển các dự án bất động sản thương mại và nhà ở trung - cao cấp.

Vinpearl và Vincom đều là công ty niêm yết và đã sáp nhập thành Vingroup trong năm nay. Hiện Vingroup đang nắm lợi ích kiểm soát trong 19 dự án bất động sản đa năng và nghỉ dưỡng mà tập đoàn này đang xây dựng tại Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng.  
 
Dự án đa năng Royal City của Vingroup tại Hà Nội có giá bán căn hộ từ 1.800-2.500 USD/m2. Khi hoàn thành vào năm tới, dự án này sẽ có công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên ở Việt Nam.
 
Là một ông bố 3 con, ông Vượng nói ông muốn đem đến “trải nghiệm cuộc sống” mới cho người dân Việt Nam.  
 
Theo chuyên gia phân tích Phương Tôn của Công ty Chứng khoán Bản Việt, thì vị trí đẹp chính là nhân tố giúp cho Vingroup bán được nhà với giá cao. Ngoài ra, một thế mạnh của Vingroup, theo bà Tôn, là công ty này có thời gian hoàn tất dự án nhanh chóng. Bà Tôn hiện khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu của Vingroup.
 
“VIC có một lợi thế đặc biệt về vốn, đó là lý do tại sao họ có thể thực hiện được các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn ngay từ khi bắt đầu thực hiện”, bà Tôn nhận định. Năm nay, Vingroup đã huy động được 300 triệu USD nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư quốc tế. Vào năm 2009, doanh nghiệp này là công ty Việt Nam đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi ở nước ngoài, huy động được 100 triệu USD.

Chủ tịch Vingroup, “tỷ phú ẩn danh” - Ảnh 2Hiện Vingroup đang nắm lợi ích kiểm soát trong 19 dự án bất động sản đa năng và nghỉ dưỡng mà tập đoàn này đang xây dựng tại Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên và Đà Nẵng.  

Ông Vượng cho biết sẽ thực hiện dự án bất động sản ở nước ngoài “khi nào có cơ hội tốt”. Năm nay, ông đã thuê hãng tư vấn McKinsey & Co. thực hiện rà soát chiến lược hoạt động kinh doanh của Vingroup và tư vấn công ty về chiến lược tương lai.
 
“Với tầm nhìn của họ thì việc bó buộc trong biên giới Việt Nam sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của họ”, bà Ton nói về Vingroup. Ông Vượng thường tới thăm nhiều thành phố nước ngoài để tìm kiếm ý tưởng khi xây dựng các dự án của mình.

Ông cũng là người coi trọng nguyên tắc và trao thưởng xứng đáng cho những ai làm việc hiệu quả với chất lượng tốt, luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng hành động” đối với nhân viên.

Theo Bloomberg, nhà tỷ phú này thường chơi bóng đá và bóng rổ mỗi tuần với các nhân viên của mình tại trung tâm thể thao của công ty. Trong bộ đồ thể thao và giày đá bóng, ông thường chơi ở vị trí tiền đạo, người giữ nhiệm vụ ghi bàn cho đội bóng.

“Tấn công hơn là phòng thủ”, nguyên tắc này được vị chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam áp dụng cho tất cả mọi việc ông làm.