11:26 28/03/2017

Điệp khúc “rút kinh nghiệm” trong báo cáo giải trình thanh tra của TKV

Bạch Dương

TKV khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong hàng loạt các sai phạm đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trước đó

Báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tình hình 
tài chính của TKV năm 2015 khá bết bát, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận
 sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 
100.343 tỷ đồng.
Báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tình hình tài chính của TKV năm 2015 khá bết bát, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính.

Theo đó, TKV cho biết đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tái cơ cấu các khoản đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả.

Sau kết luận thanh tra về loạt các vấn đề mà VnEconomy đưa tin trước đó, TKV cho biết đã mở tài khoản riêng tại ngân hàng để theo dõi, hạch toán các quỹ tập trung.

Đặc biệt, bản báo cáo thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cụm từ “rút kinh nghiệm” được dùng nhiều lần. TKV khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong loạt các dự án.

TKV thực hiện rút kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán công trình chưa đúng dự toán (Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Mạo Khê).

Rút kinh nghiệm trong quá trình nghiệm thu quyết toán không đúng giá trị công trình (Công ty Than Quang Hanh, Than Khe Chàm, Tổng công ty Khoáng sản).

Rút kinh nghiệm trong quá trình trích khấu hao tài sản cố định chưa đúng quy định do xác định thời gian trích khấu hao không đúng (Tổng công ty Khoáng sản, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc).

Rút kinh nghiệm trong công tác đối chiếu công nợ, nợ quá hạn.

Rút kinh nghiệm
trong công tác hạch toán kế toán, rà soát và tính toán các khoản doanh thu, chi phí, lợi nhuận, các khoản thuế phải nộp (Tập đoàn, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận Đá Bạc, Tổng công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ, Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Công ty Cổ phần Địa chất mỏ, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc).

Ngoài ra, TKV cũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình chưa đúng dự toán và đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối một số dự án như gói thầu số 6 san gạt mặt bằng của dự án đầu tư khai thác xuống sâu dưới 50m, gói thầu số 5 Dự án than Lép Mỹ, gói thầu số 120 dự án san nền mặt bằng kho than của mỏ Khe Chàm, dự án khai thác hầm lò của Than Mạo Khê.

Theo đó, TKV đã thực hiện giảm trừ thanh quyết toán với hàng loạt khoản tiền được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra. Chẳng hạn, dự án khu liên hợp Gang thép Cao Bằng đã giảm trừ 6,9 tỷ đồng, dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm 3 giảm trừ 595 triệu đồng, dự án nhà máy tuyển than Lép Mỹ giảm trừ số tiền 346 triệu đồng.

Đồng thời, TKV cũng điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, trong đó tăng doanh thu và thu nhập lên 8,028 tỷ đồng, hạch toán giảm chi phí 2,87 tỷ đồng, hạch toán lợi nhuận thực hiện 10,9 tỷ, nộp thêm vào ngân sách nhà nước 41,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giữa Công ty Than Uông Bí với Công ty PT. Vietmindo Energitama đã chưa được thực hiện do hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung...

Về công tác đầu tư, TKV cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đánh giá các dự án đầu tư đang triển khai, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn trong ngành, theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, tập đoàn sẽ nắm giữ từ 65%-75% vốn điều lệ đối với 9 công ty cổ phần sản xuất than, TKV đã thực hiện tăng cổ phần nắm giữ tại Công ty Sản xuất than hầm lò, có dự án đầu tư và nhu cầu sử dụng vốn lớn thông qua việc tăng vốn điều lệ.

Với đầu tư ngoài ngành, TKV dự kiến thoái toàn bộ vốn. Tính đến 27/2/207, TKV đã thoái được 86% tổng số vốn đầu tư và dự kiến đến 31/12/2017 sẽ thoái toàn bộ.

Ngoài ra, TKV đã xử lý dứt điểm khoản đầu tư tài chính tại Công ty liên doanh Southern Mining (Campuchia) và dự kiến trong quý 1/2017 cũng sẽ xử lý xong khoản đầu tư và Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng (Campuchia).

Trước đó, báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tình hình tài chính của TKV năm 2015 khá bết bát, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau gần 10 năm đầu tư vào 2 dự án bauxite và alumin tại Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng, thì TKV đã lỗ gần 3.700 tỷ. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ ra loạt vấn đề về công tác đầu tư, dự án chậm tiến độ, quyết toán, thuế...

Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có chỉ đạo TKV tiếp thu, xây dựng báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2016; đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của TKV và những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu; kiến nghị, đề xuất.

Báo cáo hoàn thành và gửi Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trước ngày 25/3/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Phó thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát hoạt động của TKV; nghiên cứu, xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.