07:57 29/07/2015

Doanh nghiệp kêu oan, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu cấp dưới xin lỗi

Lê Hường

Tại Cục Thuế Hà Nội, số doanh nghiệp bị nêu tên oan trong danh sách nợ thuế là trên 30 doanh nghiệp

Việc nhiều doanh nghiệp không nợ thuế nhưng lại bị bêu tên oan trong 
thời gian qua gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.<br>
Việc nhiều doanh nghiệp không nợ thuế nhưng lại bị bêu tên oan trong thời gian qua gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.<br>
Ngày 28/7, trao đổi về tình trạng hàng chục doanh nghiệp bị bêu tên nợ thuế oan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới chính thức xin lỗi các doanh nghiệp bị bêu tên oan do sai sót trong hệ thống phần mềm của cơ quan thuế.

Bộ trưởng Dũng cho biết, chủ trương công khai tên các doanh nghiệp nợ đọng thuế là nhằm mục đích tăng tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế, đồng thời góp phần tạo điều kiện thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho mọi doanh nghiệp.

Danh sách 600

Trước đó, ngày 20/7, Bộ Tài chính có Công văn số 9901/BTC-TCT gửi cục thuế các tỉnh, thành nêu rõ, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Thuế về việc tổng hợp danh sách của 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015 thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước, Bộ yêu cầu lãnh đạo các cục thuế thực hiện công khai thông tin tên doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo quy định của Luật Quản lý thuế nhằm thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi thực hiện, các cục thuế phải có báo cáo tình hình với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30/7.

Theo công văn của Bộ Tài chính, 600 doanh nghiệp này là những đơn vị có số tiền thuế nợ lớn nhất ở từng tỉnh thành, có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày và cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.

Danh sách này không bao gồm các đơn vị nợ thuế không còn sản xuất kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế; doanh nghiệp chờ giải thể hoặc đã có quyết định phá sản hoặc đang trong thời gian làm thủ tục phá sản, và các khoản nợ đang trong thời gian khiếu nại.

Trong số 600 doanh nghiệp nợ thuế theo danh sách Bộ Tài chính công bố, Cục Thuế Hà Nội có 200 doanh nghiệp với tổng số nợ gần 4.672 tỷ đồng.

Tương tự, Cục Thuế Tp.HCM cũng có 200 doanh nghiệp được thống kê với số nợ trên 3.517 tỷ đồng; 61 Cục Thuế còn lại có 200 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi Bộ Tài chính công khai danh sách này, nhiều doanh nghiệp lên tiếng khẳng định đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Táo bạo vẫn oan

Ngày 27/7, một tuần sau khi danh sách doanh nghiệp nợ thuế được công khai, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Cục Thuế Tp.HCM phải xin lỗi các doanh nghiệp bị bêu tên oan.

Việc nhiều doanh nghiệp không nợ thuế nhưng lại bị bêu tên oan trong thời gian qua gây bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp. Sự nhầm lẫn này cũng gây ngạc nhiên khi quy trình thu hồi nợ thuế quy định rõ các bước thực hiện.

Theo đó, việc thực hiện công khai, nêu tên các doanh nghiệp nợ thuế là bước gần cuối cùng trong công tác thu hồi nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp như đôn đốc, gọi điện trao đổi, thông báo với doanh nghiệp. Sau khi công khai danh sách nợ thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành cưỡng chế hóa đơn với các doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ.

Thế nhưng, tại Cục Thuế Hà Nội, số doanh nghiệp bị nêu tên oan trong danh sách nợ thuế là trên 30 doanh nghiệp.

Tại Tp.HCM, tình trạng cũng tương tự với khoảng 24 doanh nghiệp trong tổng số 200 doanh nghiệp bị công bố tên trên địa bàn thành phố bị nợ thuế oan.

Dù sao, việc công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế có thể xem là một bước đi táo bạo của ngành thuế. Với cách thức này, nhiều doanh nghiệp đã tự giác nộp thuế ngay sau khi được nêu tên.

Tuy nhiên, những sai sót trong quá trình thực thi cho thấy, việc quản lý cơ sở dữ liệu của ngành thuế vẫn còn hạn chế.

“Cùng với cải cách thủ tục hành chính thuế, những sai sót này là cơ hội để ngành thuế tự nhìn lại và tự chỉnh đốn mình”, một chuyên gia trong ngành thuế thừa nhận.