14:40 05/10/2015

“Đường ray là kinh tế thị trường, đầu máy là kinh tế tư nhân”

Mai Khanh

Sau những tháng ngày “chìm - nổi”, doanh nghiệp tư nhân dần khẳng định được vị thế

Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay là “mon men” vào nền kinh tế siêu thị. Tất cả những giai đoạn này đều ghi nhận sự phát triển nội lực của doanh nghiệp tư nhân.
Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay là “mon men” vào nền kinh tế siêu thị. Tất cả những giai đoạn này đều ghi nhận sự phát triển nội lực của doanh nghiệp tư nhân.
“Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân”.

Đưa ra so sánh trên tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân” diễn ra hôm 3/10, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, khi Việt Nam bắt đầu cải cách 30 năm trước, chúng ta thường dùng cụm từ “nền kinh tế nhiều thành phần”, thực chất là kinh tế thị trường, và sau này chúng ta mới chính thức dùng “kinh tế thị trường” trong các văn kiện của Đại hội Đảng.

Nhưng tại thời điểm hiện nay, ông nói, kinh tế tư nhân mới chính là từ khóa, là sự thay đổi lớn nhất của tư duy.

“Ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta đều có thể thấy được bức tranh tương phản của các nền kinh tế chú trọng về kinh tế tư nhân và các nền kinh tế chú trọng kinh tế nhà nước. Nhưng nhìn chung, chúng ta không thể phủ nhận kinh tế tư nhân mới chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển lại chính là kinh tế tư nhân”, ông Lộc phát biểu.

Đánh giá về vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, từ chỗ có 4.000 doanh nghiệp, đến nay đã có 500.000 doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay là “mon men” vào nền kinh tế siêu thị. Tất cả những giai đoạn này đều ghi nhận sự phát triển nội lực của doanh nghiệp tư nhân.

Đề cập đến khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của kinh tế tư nhân, ông Trung tổng kết, Việt Nam đã đi một bước dài về chính sách. Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực năm 2000 được xem là cuộc cách mạng cho đội ngũ doanh nghiệp, tạo ra bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế.

“Chúng ta nói nhiều tới đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc... nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, để có thể tạo nên sự đột phá đó phải kể đến vai trò và vị thế to lớn của doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Với nhiều năm nghiên cứu về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển của nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Một nền kinh tế sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do Nhà nước tạo nên. Doanh nghiệp là đối tượng sử dụng thể chế nên phải có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế, hay nói cách khác là phải chủ động để tạo sự thay đổi”.

Theo ông Cung, thể chế bao gồm thể chế chính thức và phi chính thức. Thể chế chính thức là các luật lệ do Nhà nước ban hành và thể chế phi chính thức là các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài thể chế ra, hiện tại Việt Nam còn có “luật rừng”. Nhưng nếu như thể chế chính thức và phi chính thức phát triển mạnh, thì có thể áp đảo được “luật rừng” và ngược lại.

“Cộng đồng doanh nghiệp cần đồng lòng, đồng sức và đồng lực thúc đẩy cho một thị trường đầy đủ và bao dung, vì sự phát triển và lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng quốc gia”, ông Cung nhấn mạnh.

Trước các vấn đề về khuôn khổ pháp lý và thể chế được nêu, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói: “Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung đã theo dõi rất sát sao việc ban hành các văn bản. Trong Quốc hội cũng có hơn 40 đại biểu là doanh nhân. Họ thường xuyên đưa việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm tại các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để từng bước khắc phục việc này. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.

Ông Phúc hy vọng, thời gian tới, VCCI với vai trò là cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ để thúc đẩy hơn nữa việc ban hành các văn bản pháp luật để luật sớm được đi vào đời sống.