10:11 14/05/2017

Lọc dầu Dung Quất trước thềm IPO: “Xăng của chúng tôi lợi thế hơn xăng nhập khẩu”

Bạch Dương

VnEconomy trò chuyện với người đứng đầu đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR).<br>
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR).<br>
Thông tin Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - mới đây công bố sẽ chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2017 đã thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư.

Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước đầu tư và sở hữu, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Với định hướng trở thành động lực cho kinh tế miền Trung, công trình này được khởi công vào cuối năm 2005 và vận hành từ 2009, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Nhiều quan điểm trái chiều về thành công của phiên IPO đã được đưa ra, trong bối cảnh sản phẩm từ Dung Quất sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với xăng dầu nhập khẩu cũng như xăng dầu của các nhà máy lọc dầu khác tại Việt Nam trong tương lai.

Trò chuyện với VnEconomy, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR nói:

- Theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng trong quý 4/2017. Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.

BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Do đó, Nhà nước không giới hạn tỷ lệ thoái vốn tại BSR.

Là công ty có quy mô vốn lớn, nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017.

Sau đó, công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.

Việc tìm kiếm và lựa chon nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường...

Nâng cao năng lực trước mốc 2024


Trong hai năm 2015 - 2016, nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức lợi nhuận khoảng 500 triệu USD, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng khoản lợi nhuận này chủ yếu đến từ cơ chế cấp bù tức, giúp Dung Quất được giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, theo lộ trình đến năm 2024, xăng dầu nhập khẩu sẽ có thuế suất về bằng 0%, tức là mở cửa cạnh tranh bình đẳng. Nhà đầu tư có cần lo lắng về lợi nhuận của BSR sau năm 2024, thưa ông?

Từ 2015, việc các hiệp định thương mại giữa Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực khiến giá bán các sản phẩm của Dung Quất cao hơn giá bán các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN và đặc biệt từ Hàn Quốc, do phải đóng thuế cao hơn 10% so với hàng nhập khẩu. Điều này khiến cho sản phẩm từ Dung Quất mất đi tính cạnh tranh trên thị trường.

Phần lớn lượng xăng nhập khẩu vào Việt Nam hiện từ Hàn Quốc, điều này tiếp tục gây sức ép lớn đối với việc tiêu thụ sản phẩm xăng của nhà máy.

Trước tình hình đó, ngày 3/9/2016, Chính phủ đã có sự điều chỉnh về cơ chế đối với việc kinh doanh sản phẩm của Dung Quất bằng Quyết định số 1725/QĐ-TTg, cho phép BSR kinh doanh theo cơ chế thị trường và cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm nhập từ Hàn Quốc, để không còn sự chênh lệch về thuế nhập khẩu.

Quyết định 1725 của Chính phủ đã tạo điều kiện để BSR được bán sản phẩm theo giá thị trường và Nhà nước không thu điều tiết, cũng không cấp bù cho BSR như trước đây. Đây là cơ hội để BSR có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí dẫn đến cắt giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Do những lợi thế trên, nên hiện nhà máy đang chạy với 105 - 107% công suất, góp phần tăng thêm sản lượng sản xuất, đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.

Theo lộ trình giảm thuế thì đến năm 2024, mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các hiệp định tự do thương mại sẽ về 0%. Theo quy định, giá bán sản phẩm của Dung Quất cũng sẽ áp dụng theo lộ trình thuế này. Chúng tôi đã biết điều này và đã nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng hệ thống quản trị mạnh và đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế.

Sản phẩm của chúng tôi cũng có lợi thế cạnh tranh hơn với sản phẩm nhập khẩu khác, là không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch đồng tiền thanh toán, thời gian và hình thức nhận hàng linh hoạt, chi phí vận chuyển, thủ tục nhập hàng nhanh chóng, và đặc biệt là không phải nộp thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng như hàng nhập khẩu…

Về lâu dài, BSR sẽ tăng công suất, tối ưu hoá chi phí sản xuất để tăng hiệu quả cạnh tranh của các sản phẩm. Trong năm 2016, BSR đã cắt giảm 20% chi phí giá thành sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.

Hiện BSR đã có văn bản trình cấp có thẩm quyền và chờ thống nhất chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ phần vốn vay, để tạo lợi thế cho công ty tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất thấp, góp phần nâng cao hiệu quả giai đoạn hai của dự án.

Dự kiến đáp ứng Euro 4 từ cuối 2021

Theo lộ trình, từ 2017, Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu Euro 4. Các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đã đáp ứng được tiêu chuẩn này chưa?

Với cấu hình và công nghệ hiện tại, nhà máy đảm bảo khả năng sản xuất các sản phẩm nhiên liệu xăng Mogas 95 - Euro 3, xăng Mogas 92 - Euro 2, dầu Diesel - Euro 3.

Do đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về áp dụng tiêu chuẩn Euro 4.

Nhưng sau khi hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng, theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành từ cuối năm 2021, thì sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm mức Euro 5.

BSR thực hiện IPO trong bối cảnh hàng loạt các tổng công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước cũng IPO. Các ông có lo ngại về viễn cảnh rủi ro của phiên IPO không?

Chúng tôi tự tin về khả năng thành công của đợt IPO tới, trên cơ sở triển vọng khả quan chung của ngành dầu khí Việt Nam và định hướng phát triển của công ty trong 5 năm sau cổ phần hóa.

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động kinh doanh của BSR đã có những bước phát triển bền vững, đóng góp khoảng 2 tỷ USD cho ngân sách trong giai đoạn 2011 - 2016, đồng thời đến năm 2016 trở thành doanh nghiệp đóng góp khoảng 1/4 lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cũng cần lưu ý là việc chào bán cho cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí có phần phụ thuộc vào tính thời điểm. Việc một số nhà đầu tư dừng kế hoạch đầu tư nhà máy lọc dầu tại Việt Nam có thể có nhiều nguyên nhân khách quan về thị trường cũng như phụ thuộc vào chiến lược phát triển theo thị trường hiện tại của các đơn vị này.

Bên cạnh đề nghị của Gazprom Neft trong giai đoạn giá dầu giảm sâu, hiện nay BSR đã nhận được đề xuất tham gia hợp tác của nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí khác. Các định chế tài chính và đặc biệt là các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu cũng đã đề xuất tham gia trong quá trình chào bán cổ phần của BSR cho nhà đầu tư chiến lược.

Điều này cho thấy, bản thân BSR đang là một doanh nghiệp hấp dẫn và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.