19:28 08/05/2017

Nhà đầu tư “kêu cứu” vì Hacinco 10 năm cổ phần hoá không xong

Kiều Linh

Đã hơn 10 năm kể từ khi đấu giá cổ phần nhưng đến nay, việc hoàn thiện cổ phần hoá của Hacinco vẫn bị bỏ ngỏ vì nhiều lý do

Làng sinh viên Hacinco - một dự án của Hacinco.
Làng sinh viên Hacinco - một dự án của Hacinco.
Trong văn bản kiến nghị gửi tới hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5 tới, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội - đơn vị bảo vệ quyền lợi của 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội - Hacinco bày tỏ mong muốn hoàn tất quá trình cổ phần hoá công ty này theo đúng quy định.

Cụ thể, trong kiến nghị của mình, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nêu rõ, ngày 29/10/2004, UBND Tp.Hà Nội có Quyết định số 7252 về việc cho phép Hacinco thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội tiến hành cổ phần hóa và Quyết định số 6680 ngày 29/9/2005 về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Hacinco.

Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.

Sau đó, ngày 1-2/12/2005, Hacinco đã tiến hành đại hội cổ đông lần đầu để thông qua điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hoá và bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty cổ phần.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá Hacinco đã phải dừng lại vì vướng nhiều sai phạm như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động...

Trước tình trạng đó, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội chỉ rõ việc hoàn tất quá trình cổ phần hóa là cấp bách.

Bởi, thứ nhất, quá trình cổ phần hóa tại Hacinco vi phạm nghiêm trọng về tiến độ cổ phần hóa. Theo quy định, việc tiến hành cổ phần hóa từ khi xây dựng phương án, tổ chức bán cổ phần tới hoàn tất chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần phải hoàn tất trong tối đa 9 tháng. Thế nhưng, thời gian tại Hacinco đã kéo dài hơn 10 năm.

Thứ hai, Hacinco đang hoạt động là doanh nghiệp nhà nước nhưng bản chất lại là công ty cổ phần.

Đơn vị bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư chỉ rõ, tỷ lệ vốn nhà nước sở hữu tại Hacinco năm 2005 là 9,11%, năm 2010 là 49,6%, chưa đủ để chi phối theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, càng không thể nắm giữ 100% vốn theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Do vậy, cổ phần Hacinco từ khi người lao động và các nhà đầu tư mua năm 2005 chiếm gần 90% vốn nên về bản chất, Hacinco không còn được coi là doanh nghiệp nhà nước nữa.

“Sự không rõ ràng này có thể đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động và nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn thập kỷ qua”, kiến nghị của Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội nêu.

Mặt khác, theo công văn số 5494 của UBND Tp.Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hacinco liên tục thua lỗ với số tiền lên đến 7,4 tỷ đồng, vượt quá số vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp này là 7,1 tỷ đồng.

Từ năm 2005, Hacinco đã sử dụng toàn bộ số tiền 21 tỷ đồng của người lao động và nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật.

Chính nhờ khoản vốn này, hoạt động của Hacinco dần hồi phục, đứng vững và phát triển tạo nên một thương hiệu Hacinco lớn mạnh ngày nay.

Thứ ba, quyền và lợi ích các nhà đầu tư đã mua cổ phần Hacinco bị xâm hại nghiêm trọng.

Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội nhấn mạnh, sự chậm trễ trong cổ phần hoá Hacinco đã gây ra thiệt hại và rủi ro lớn cho nhà đầu tư, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề về lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành, quyền hưởng cổ tức…

"Vì vậy, cần phải nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa Hacinco để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần tại Hacinco", đơn vị bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư mua cổ phần Hacinco kiến nghị.

Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) được giới thiệu là doanh nghiệp nhà nước với hơn 39 năm hoạt động.

Hiện tại, Hacinco đang tập trung hoạt động ở các lĩnh vực gồm: Đầu tư xây dựng dự án và nhận thầu xây lắp; Kinh doanh khách sạn, nhà hàng và du lịch lữ hành; Kinh doanh thiết bị thi công hiện đại; Thí nghiệm vật liệu xây dựng...