10:24 28/05/2015

Nhiều lỗ hổng quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước

Anh Minh

Bức tranh quản lý tài chính khá bết bát của nhiều doanh nghiệp nhà nước

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang gánh khoản "nợ khó đòi" lên tới gần 600 tỷ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước - Ảnh minh họa.<br>
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang gánh khoản "nợ khó đòi" lên tới gần 600 tỷ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước - Ảnh minh họa.<br>
Kết quả kiểm toán năm 2014 tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Tổng kiếm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn ký gửi tới Quốc hội mới đây đã cho thấy bức tranh quản lý tài chính khá bết bát của nhiều doanh nghiệp nhà nước, vốn vẫn đang được coi là lực lượng “chủ đạo” trong nền kinh tế.

Theo báo cáo này, trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty.

Cụ thể, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; nợ trong nội bộ một số tổng công ty với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Chẳng hạn, đối với nội dung “nợ phải thu quá hạn”, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có tới 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có 507,21 tỷ đồng; Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có 440,35 tỷ đồng....

Đối với nội dung “nợ khó đòi”, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có tới 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), tại VEAM là 293 tỷ đồng (chiếm 18,87%)…

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số đơn vị đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. Vẫn còn nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể; một số đơn vị trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ.

Hầu hết các tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư.

Mặt khác, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Tiêu biểu cho tình trạng này là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng khoáng sản Miền Trung 3,26 lần; Công ty TNHH Một thành viên 36.55 là 15,62 lần; Công ty Cổ phần 482 là 7,8 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 492 là 5 lần, Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 419 là 5,7 lần, Công ty Cổ phần 479 là 4 lần; Công ty TNHH Một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam 36,2 lần; Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình 12,79 lần…

Kiểm toán cũng phát hiện nhiều đơn vị chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định, trong khi một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt chưa được xử lý; một số tổng công ty quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa chặt chẽ, xây dựng đơn giá tiền lương, trích quỹ lương chưa hợp lý, chưa nộp kịp thời các khoản trích theo lương.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là một số tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách Nhà nước.

Cho đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đã xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, đề án của một số tổng công ty có nội dung chưa phù hợp; chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể doanh nghiệp.

Tính đến 31/12/2013, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nộp ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2013 là 5.790 tỷ đồng nhưng chưa phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần để đôn đốc nộp cổ tức được chia năm 2013 vào ngân sách nhà nước, xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước 217,2 tỷ đồng.

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đã ban hành quy chế giám sát tài chính và hiệu quả hoạt động, công khai tài chính, thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá thực hiện nhiệm vụ của người đại diện vốn nhà nước; người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện quyền và nghĩa vụ, chế độ báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, kiểm toán cũng phát hiện tại một số đơn vị công tác giám sát còn hạn chế, như chưa bổ nhiệm kiểm soát viên; chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn, quy chế giám sát tài chính.