17:18 24/09/2016

Petro Vietnam đem hơn 100.000 tỷ đồng gửi ngân hàng

Bạch Dương

Petro Vietnam sở hữu khối lượng tiền mặt lớn tương đương tài sản một ngân hàng, lãi tiền gửi 2015 ghi nhận gần 7.000 tỷ đồng

Chỉ riêng lãi tiền gửi ngân hàng của Petro Vietnam năm 2015 đã vượt 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi Trẻ.
Chỉ riêng lãi tiền gửi ngân hàng của Petro Vietnam năm 2015 đã vượt 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi Trẻ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 được hãng kiểm toán Deloitte soát xét. Theo đó, kết quả kinh doanh của Petro Vietnam sụt giảm mạnh với doanh thu đạt 293.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 30.000 tỷ đồng.

Đây là năm có kết quả kinh doanh thấp nhất của Petro Vietnam trong 3 năm gần đây.

Giá dầu lao dốc đã làm giảm doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng của Petro Vietnam. Doanh thu và lợi nhuận của Petro Vietnam giảm liên tục trong 3 năm liên tiếp và ở mức rất thấp so với doanh thu 404.170 tỷ đồng - lợi nhuậnn 42.460 tỷ đồng của năm 2013.

Năm 2016, Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm xuống 18.000 tỷ đồng, doanh thu đạt 440.000 tỷ đồng. Khối lượng dầu khai thác quy đổi dự kiến là 16-20 triệu tấn.

Về cơ cấu tài chính, đến cuối năm 2015, Petro Vietnam có gần 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của Petro Vietnam có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Nhờ khoản tiền khổng lồ gửi ngân hàng mà năm 2015, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Petro Vietnam lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Tập đoàn có khoản đầu tư chứng khoán là 4.957 tỷ đồng song phải trích lập 316 tỷ đồng dự phòng giảm giá. Ngoài ra, Tập đoàn còn góp vốn vào một số đơn vị như Hoá dầu Long Sơn, Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Cổ phần TD, Điện Việt Lào, Xi măng Hạ Long với tổng là 2.563 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số đơn vị thua lỗ khiến tập đoàn phải trích lập dự phòng 423 tỷ đồng.

Trái ngược lại, Tập đoàn đang có lợi nhuận khá lớn từ công ty liên kết và góp vốn vào các liên doanh. Cụ thể, năm 2015, tập đoàn thu được khoảng 1.247 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết, 3.135 tỷ đồng từ liên doanh nghiệp với nước ngoài khai thác dầu.

Tập đoàn có khối lượng nợ xấu gần 6.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất, Công ty Cổ phần PVI, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và các khoản phải thu uỷ thác với công ty mẹ Petro Vietnam.

Đặc biệt, mặc dù đang mắc kẹt tại dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn nhưng trong Petro Vietnam vẫn cho Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn là 87,85 triệu USD.

Một số công trình lớn mà Petro Vietnam đang đầu tư như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Đường ống Nam Công Sơn 2, Dầu khí Long Phú 1, Lọc dầu Nghi Sơn, Dầu khí Sông Hậu 1,…

Ngoài ra, Tập đoàn đang đầu tư lớn vào bất độn sản như dự án toà nhà 1A Láng Hạ (Hà Nội), Khu đô thị mới Vũng Tài, Dự án Xuân Phương, Dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê,…

Đặc biệt, báo cáo kiểm toán tiết lộ Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã có công văn gửi Tập đoàn về việc xử lý các dự án dầu khí không hiệu quả năm 2014. Theo PVEP, dự tính các dự án không hiệu quả với chi phí thất thoát có thể lên tới 5.986 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí phát triển mỏ là lớn nhất, kế đến chi phí tìm kiếm, thăm dò và chi phí trả trước dài hạn. Ngày 20/1/2016, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Petro Vietnam nhanh chóng quyết toán, đánh giá cụ thể các khoản nợ xấu và báo cáo Thủ tướng quyết định.

Đến ngày lập báo cáo, Deloitte cho biết vẫn chưa có phê duyểt cuối cùng.

Chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí được Petro Vietnam ghi nhận năm qua là 43.000 tỷ đồng, chi phí phát triển mỏ là 12.271 tỷ đồng. Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Petro Vietnam còn dư 21.148 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2015, Petro Vietnam có tổng tài sản đạt 759.257 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Trong đó, nợ phải trả là 319.304 tỷ đồng. Vay nợ tài chính vượt 183.000 tỷ đồng.

Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và đến hạn trả đạt hơn 81.000 tỷ đồng. Vay dài hạn là 146.268 tỷ đồng, phần lớn có kỳ hạn trả từ 1-5 năm.

Đây là những khoản vay lớn nhằm đầu tư cho các siêu dự án Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vũng Áng.

Cơ cấu ngoại tệ vay chủ yếu là Đôla Mỹ, Yên nhật, Dinar Algeria, Euro… Năm vừa qua, các đồng ngoại tệ có biến động khá mạnh, do đó công ty bị lỗ tỷ giá lên tới 7.036 tỷ đồng, chi phí lãi vay đạt 4.916 tỷ.

Petro Vietnam cũng cho biết, việc xuất khẩu dầu thô, mua hàng hoá dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài và xây dựng các công trình chủ yếu bằng ngoại tệ nên rủi ro lớn nếu có biến động về tỷ giá.

Petro Vietnam cho biết đang cân đối nguồn thu chi bằng ngoại tệ qua đó giao dịch bằng ngoại tệ, hạn chế tối đa rủi ro về tỷ giá.