09:34 15/07/2017

Sẽ nêu danh 730 doanh nghiệp cổ phần nhưng không chịu “lên sàn”

Song Hà

Việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc

Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ 
phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường 
chứng khoán đến 26/6/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.<br>
Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 26/6/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.<br>
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tại văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch; niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 26/6/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ mới đây cho biết, dự kiến đến 2020, cả nước sẽ cổ phẩn hóa thêm 137 doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 6 doanh nghiệp nhà nước; công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, 20 doanh nghiệp nhà nước khác cũng đang tiến hành xác định giá trị để bán vốn. Dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 doanh nghiệp trong tổng số 45 doanh nghiệp của kế hoạch năm 2017.

Đến hết quý 2/2017 đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, có 6 doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc.