14:11 29/11/2016

TKV đã rót 14.300 tỷ vào nhà máy alumin Nhân cơ

Bạch Dương

Có tổng tài sản hơn 98.000 tỷ đồng, song lợi nhuận 9 tháng của công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 42,8 tỷ đồng

Đường ống dẫn kiềm của Alumin Nhân Cơ vỡ giữa năm nay khiến dư luận nghi ngại về dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
Đường ống dẫn kiềm của Alumin Nhân Cơ vỡ giữa năm nay khiến dư luận nghi ngại về dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2016, trong bối cảnh kết quả kinh doanh của TKV liên tục lao dốc 4 năm trở lại đây.

Đầu tư vào công ty con, lỗ nghìn tỷ

Theo báo cáo tài chính của TKV, doanh thu công ty mẹ 9 tháng năm nay tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 44.379 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu sản xuất than trong nước là chủ yếu, với mức tiêu thụ khoảng 27,2 triệu tấn than. Xuất khẩu giảm mạnh chỉ đạt 380.600 tấn giá trị 834 tỷ đồng, giảm 63,7% so với cùng kỳ.

Chi phí lãi vay tăng lên 2.038 tỷ đồng. Lãi tiền gửi ngân hàng đạt 461 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá 171 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty vẫn lỗ thuần 73,7 tỷ đồng.

Nhờ khoản lợi nhuận khác nên TKV thoát lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 42,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này lao dốc mạnh so với kết quả 6 tháng đầu năm khi TKV ghi nhận lợi nhuận lên tới 155 tỷ đồng. 9 tháng năm nay, TKV cũng chi tới 13.862 tỷ đồng trả nợ.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản TKV đạt 98.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong khi nợ phải trả lên tới 64.432 tỷ đồng, riêng vay nợ ngân hàng các bên lên tới 52.500 tỷ đồng.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 9, TKV chi khoảng 16.338 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu vào các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ như Than Mông Dương, Vàng Danh, Hà Lầm, Bệnh viện Than - Khoáng sản, Than Cẩm Phả, Than Miền Trung, Than Miền Nam,…

Tuy nhiên, một số khoản đầu tư của TKV đang lâm vào thua lỗ, như số vốn rót vào Công ty Cổ phần Vận tải thủy với khoản trích lập dự phòng thua lỗ lên tới 76 tỷ đồng, công ty LD KS Steung Treng là 55,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh trích lập thua lỗ tới 130 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoản đầu tư 6.778 tỷ đồng vào Tổng công ty Điện lực thua lỗ đã buộc TKV phải trích lập dự phòng lên tới 706 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Hinh, công ty Southern Mining cũng buộc phải trích lập toàn bộ số tiền rót vốn lên tới 130 tỷ đồng.

Đặc biệt, tập đoàn còn có khoản nợ xấu khó có khả năng thu hồi lên tới 327 tỷ đồng. Hàng tồn kho lên tới 11.215 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm.

Đã rót hơn 14.000 tỷ vào alumin Nhân Cơ

Báo cáo tài chính ghi nhận, tại ngày 30/9, TKV đã rót tổng cộng 14.310 tỷ đồng vào dự án alumin Nhân Cơ. Đây là dự án lớn nhất của tập đoàn cho đến thời điểm hiện nay.

Để thu xếp vốn cho dự án này, TKV đã vay dài hạn ngân hàng City Bank của Nhật Bản khoảng 300 triệu USD. Số dư nợ đến thời điểm ngày 30/6 là 285 triệu USD. Tập đoàn còn vay 300 triệu USD từ ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking. Số dư nợ tại ngày 30/6 là 250 triệu USD.

Ngoài ra, tập đoàn chi khoảng 775 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Giao dịch Than - Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn cũng đầu tư một số dự án sản xuất, khai thác than ở Hạ Long, Mạo Khê, Khe Chàm,…

Trong báo cáo định hướng sản xuất công nghiệp 3 tháng cuối năm 2016, Bộ Công Thương yêu cầu TKV sớm hoàn thành đầu tư, đưa dự án nhà máy alumin Nhân Cơ, dự án điện phân nhôm Đắc Nông đi vào vận hành và có hiệu quả.

Đồng thời, phải xây dựng và đề xuất lên Chính phủ phương án cổ phần hóa dự án alumin Nhân Cơ. Nghiên cứu việc đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy alumin Nhân Cơ, nâng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm, và tận dụng cơ sở hạ tầng, thiết bị đã đầu tư giảm giá thành sản xuất.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu TKV chuẩn bị điều kiện đưa nhà máy alumin Nhân Cơ vận hành có tải, có sản phẩm đúng tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và thanh quyết toán, bàn giao công trình giữa nhà thầu và chủ đầu tư theo đúng cam kết...

Trước đó, sự cố vỡ đường ống dẫn kiềm khi chạy thử nhà máy đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống người dân xung quanh. Về vấn đề này, Bộ Công Thương yêu cầu TKV phối hợp với Công ty Cổ phần Lộc Châu tìm giải pháp để xử lý bùn đỏ theo hướng làm vật liệu không nung, giảm chi phí xây dựng, quản lý, vận hành và phục hồi môi trường hồ bùn đỏ.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm tiếp nhận chuyển giao tài sản đối với hạng mục đường điện 110 kV Nhân Cơ do TKV đã đầu tư, có giải pháp cấp điện ổn định cho hai dự án.

Dự án alumin Nhân Cơ được chấp thuận xây dựng tại Quyết định số 167/2007 của Thủ tướng với công suất 600.000 tấn một năm. Việc khai thác được giao cho TKV làm chủ đầu tư, với nhà thầu xây dựng là Chalieco (Trung Quốc).

Dự án gồm hai nhà máy được xây dựng trên diện tích 850 ha. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ - TKV. Dự án được khởi công năm 2010, với mục tiêu khai thác chế biến quặng bauxite.