12:00 06/08/2019

Đồng Nhân dân tệ hồi giá sau tín hiệu từ Trung Quốc

An Huy

Trung Quốc ngày 6/8 có động thái hạn chế đà giảm của tỷ giá Nhân dân tệ, sau khi cú sụt mạnh hôm qua

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung Quốc ngày 6/8 có động thái hạn chế đà giảm của tỷ giá Nhân dân tệ, sau khi cú sụt của đồng tiền này hôm thứ Hai khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc chóng mặt.

Theo tin từ Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đặt tỷ giá tham chiếu hàng ngay của đồng Nhân dân tệ ở mức cao hơn dự báo, đồng thời công bố một kế hoạch phát hành trái phiếu bằng Nhân dân tệ tại thị trường Hồng Kông.

Được đưa ra chỉ vài giờ sau khi sau khi Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá tiền tệ, động thái kép của PBoC đã giúp Nhân dân tệ hồi giá.

Ngày 5/8, PBoC hạ tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, khiến tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường cả trong và ngoài Trung Quốc giảm quá mốc 7 tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Đây là cú giảm mạnh nhất của Nhân dân tệ kể từ khi PBoC bất ngờ phá giá đồng tiền vào mùa hè năm 2015, làm dấy lên những ký ức về đợt thoái vốn ồ ạt năm đó - khi Trung Quốc phải rút hơn 500 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ sau hành động bị đánh giá là sai lầm.

Theo các nhà phân tích, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức "dán nhãn" thao túng tỷ giá lên Trung Quốc càng gia tăng áp lực lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

"PBoC đang gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ hạn chế đà giảm giá của Nhân dân tệ", ông Frances Cheung, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á của Westpac Banking ở Singapore, nhận định. "Tỷ giá Nhân dân tệ đã đối mặt với ngưỡng kháng cự 7,1 tệ/USD một vài lần trong ngày hôm qua. Tôi dự báo tỷ giá sẽ giữ quanh ngưỡng này trong ngắn hạn".

Tỷ giá tham chiếu ngày 6/8 được PBoC thiết lập ở mức 6,9683 Nhân dân tệ/USD, cao hơn mức dự báo 6,9871 tệ/USD mà cuộc khảo sát các nhà phân tích và giao dịch tiền tệ do Bloomberg thực hiện đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, tỷ giá tham chiếu ngày 6/8 vẫn thấp hơn mức 6,9225 của ngày 5/8, đồng thời là mức thấp nhất kể từ ngày 20/5/2008.

Sau khi tỷ giá này được công bố, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục giảm 0,1% so với mức chốt của ngày hôm qua, về 7,0569 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Hôm qua, tỷ giá này giảm 1,5%.

Tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục, Nhân dân tệ tăng giá 0,1%, lên 7,0897 tệ đổi 1 USD. Đầu giờ sáng, tỷ giá này giảm về 7,1265 tệ/USD, mức thấp nhất mọi thời đại - theo dữ liệu của Reuters.

Tuyên bố của PBoC cho biết ngân hàng trung ương này sẽ bán 30 tỷ Nhân dân tệ (4,2 tỷ USD) trái phiếu tại Hồng Kông vào ngày 14/8. Một cuộc phát hành trái phiếu như vậy thường hút Nhân dân tệ ở thị trường ngoài Trung Quốc đại lục, theo đó khiến việc bán khống Nhân dân tệ trở nên khó hơn.

Động thái trên diễn ra sau khi Thống đốc PBoC Dịch Cương hôm thứ Hai tuyên bố "Nhân dân tệ sẽ vẫn là một đồng tiền mạnh, bất chấp những biến động gần đây". Ông Dịch cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không sử dụng tỷ giá làm "vũ khí" trong thương chiến với Mỹ.

Theo giới phân tích, nếu PBoC đặt tỷ giá tham chiếu ở mức hơn 7, thì căng thẳng sẽ được đẩy lên một ngưỡng nguy hiểm mới.

"Việc PBoC đặt tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ mạnh hơn 7 có thể nhằm mục đích khắc phục tâm lý bầy đàn trên thị trường ngày hôm qua", chiến lược gia Stephen Chiu thuộc Bloomberg Intelligence nhận xét. "Đó là một thông điệp gửi đến Mỹ, rằng Trung Quốc không thao túng làm tỷ giá đồng tiền yếu đi. Nếu thị trường đẩy tỷ giá USD so với Nhân dân tệ lên cao hơn nữa và ra ngoài tầm kiểm soát, tôi không cho là PBoC sẽ khoanh tay đứng nhìn".

Ngày 5/8, các ngân hàng ở Phố Wall đồng loạt cắt giảm dự báo tỷ giá Nhân dân tệ.

Các chiến lược gia của Bank of America thậm chí hạ dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay về mức 7,3 tệ/USD, từ mức 6,63 tệ/USD trước đó, trên cơ sở cho rằng Trung Quốc muốn giảm tỷ giá đồng nội tệ để giảm bớt ảnh hưởng của thuế quan Mỹ.

Chuyên gia của Citigroup thị dự báo Nhân dân tệ có thể rớt giá về mức 7,5 tệ/USD nếu căng thẳng leo thang cao hơn.

"Chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ đang leo thang từng ngày", chiến lược gia Philip Wee thuộc DBS Group Holdings nhận xét, đồng thời dự báo tỷ giá Nhân dân tệ và các đồng tiền khác ở khu vực châu Á có thể giảm sâu hơn.

"Việc Mỹ gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá tiền tệ có thể mở đường cho việc Mỹ áp thuế quan hơn 25% lên hàng hóa Trung Quốc", ông Wee nói.