14:30 19/09/2019

Du lịch Phú Quốc - Góc nhìn về tương lai rộng mở

Thu Anh

Bên cạnh tiềm năng vượt bậc, bức tranh phát triển Phú Quốc gần đây cũng bộc lộ những tồn tại

Sự phát triển du lịch mang lại cho Phú Quốc nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Sự phát triển du lịch mang lại cho Phú Quốc nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Bên cạnh tiềm năng vượt bậc, bức tranh phát triển Phú Quốc gần đây cũng bộc lộ những tồn tại. Đó cũng là bài toán thách thức lãnh đạo địa phương để đưa du lịch nơi đây vươn lên một tầm cao mới.

Từ đảo ngọc đến trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới

Được thiên nhiên ưu ái ban cho cảnh quan thơ mộng, Phú Quốc vốn được mệnh danh là đảo ngọc trong mắt du khách trong và ngoài nước. Với sự bùng nổ về hạ tầng, điểm đến mới lạ, Phú Quốc nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích hàng đầu Việt Nam.

Năm 2018, Phú Quốc đón 4 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế hơn 543.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 5.518 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn 2015 – 2018, Phú Quốc đạt mức tăng trưởng du lịch lên tới 141%. Con số này vượt trội hơn hẳn so với Đà Nẵng khi chỉ đạt 65%.

7 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc đã đạt 450.000 khách, đạt doanh thu 4.800 tỷ đồng. Con số này cho thấy dù mới được đầu tư phát triển nhưng Phú Quốc đã có bước nhảy vọt, dần trở thành thương hiệu du lịch mới bên cạnh những điểm đến quen thuộc.

Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng lưu trú và nhiều dự án cao cấp đang được triển khai để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du khách. Cùng với đó, những công trình giao thông quan trọng như: sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, trục giao thông Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo… đã đi vào hoạt động và đóng góp tích cực trong việc thu hút du khách.

Trước sự thay da đổi thịt của đảo ngọc, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế.  

CNN bình chọn Phú Quốc là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á, bên cạnh Seoul (Hàn Quốc), Bali (Indonesia), Kyoto (Nhật Bản),.. Trong khi đó, tờ Telegraph cũng có hẳn một bài hướng dẫn chi tiết những việc cần làm ở Phú Quốc. Tờ báo nổi tiếng của Anh đã ca ngợi sự quyến rũ của thiên nhiên, văn hóa bản địa cùng những khách sạn xa hoa tại đây.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang có những chính sách cởi mở nhằm phát triển đảo ngọc bền vững khi kêu gọi đầu tư, bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch cộng đồng cũng như vận động doanh nghiệp mở thêm đường bay. Đầu năm nay, Cục Hàng Không đã có đề xuất nâng cấp sân bay Phú Quốc lên 10 triệu khách/năm. Sự thay đổi này là cần thiết vì ngày càng nhiều hãng hàng không mở đường bay đến đây. Trong đó, Vietjet đã mở thêm 4 đường bay đến Phú Quốc còn Jetstar Pacific cũng mở thêm đường bay Đà Nẵng - Phú Quốc giúp kết nối 2 điểm du lịch.

Những thách thức của sự tăng trưởng

Tuy nhiên, ở bất kỳ địa phương có tốc độ phát triển nhanh nào cũng thường có những điểm hạn chế nhất định và Phú Quốc cũng không ngoại lệ. Tình trạng ngập lụt tại Phú Quốc sau đợt mưa lớn hồi tháng tháng 8 vừa qua có thể thấy là một trong những vấn đề tồn tại của nơi này. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán không quá xa lạ ở những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, dẫn đến quá tải đô thị. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại Phú Quốc cũng không còn phù hợp với quy mô dân số và du khách vì được xây dựng từ năm 2003.

Theo lãnh đạo huyện Phú Quốc, hệ thống thoát nước nhất định sẽ được tính toán lại để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đảo trong tương lai. Ngoài ra, hiện đảo đã có quy hoạch tổng thể. Khi có quy hoạch chi tiết thì chính quyền sẽ phê duyệt đề án phát triển đô thị để trình Chính phủ.

Ngoài tình trạng ngập, rác thải cũng là vấn đề lớn khi mỗi ngày Phú Quốc có hơn 200 tấn rác thải. Tuy nhiên, Phú Quốc sắp có nhà máy tái chế rác nhựa nhờ hợp tác với doanh nghiệp UpCycling Plastic của Hà Lan. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa để bảo vệ sự trong sạch của đảo ngọc.

Gần đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 8, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề xuất đưa huyện Phú Quốc lên thành phố, trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế về quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái...

Chị Phạm Thị Thanh, người dân sống trên đảo vẫn thể hiện sự lạc quan trước sự phát triển của địa phương. Theo chị hơn 10 năm trước, Phú Quốc còn hoang vu nên cuộc sống người dân cũng buồn tẻ, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, điều kiện về việc làm thiếu thốn. Nhờ sự phát triển du lịch, gia đình gia cũng có cuộc sống cải thiện hơn rất nhiều khi mọi thành viên đều có công việc thu nhập tốt, có cơ hội kinh doanh tốt. Bởi vậy, chị cho rằng khi lãnh đạo địa phương giải quyết một số tồn tại thì Phú Quốc vẫn là điểm đến ưa thích của khách du lịch.

Anh Thành Hưng, một người từ Long An đến làm việc và lập nghiệp ở Phú Quốc 10 năm chia sẻ cuộc sống gia đình anh đã sang trang mới kể từ khi đặt chân đến đảo ngọc. Cảnh quan thiên nhiên lại vẫn giữ được vẻ đẹp không nơi nào có được, kinh tế trên hòn đảo phát triển từng ngày khiến cuộc sống sinh nhai của người dân ngày một tốt hơn.

Sự phát triển du lịch mang lại cho Phú Quốc nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Đây chính là lúc thể hiện tầm nhìn của chính quyền địa phương để đảo ngọc không còn vấn đề tồn đọng như thời gian qua.