Dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước: Đại biểu e ngại tác động ngoài ý muốn
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sẽ có tác động nhiều chiều, trong đó có những tác động ngoài ý muốn
Chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, đến kỳ họp này, dự thảo trình Quốc hội có nhiều nội dung được chỉnh lý, hoàn thiện, giảm 11 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp trước.
Quy định phạm vi quá rộng
Góp ý với dự thảo, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) cho biết, ông chưa được xem báo cáo đánh giá tác động của luật này, nhưng qua nghiên cứu luật, vị đại biểu này e ngại luật sẽ có tác động nhiều chiều, trong đó có những tác động ngoài ý muốn, thậm chí tiêu cực đối với chính sách đẩy mạnh công nghệ 4.0 và công nghệ thông tin, xây dựng các đô thị thông minh...
"Đặc trưng của xã hội ngày nay là thông tin. Thứ nhất, phải phổ biến thật nhanh; Thứ hai, phải phổ biến thật rộng; Thứ ba, phải phổ biến thật tiện lợi; Thứ tư, rẻ và thậm chí là miễn phí. Xã hội nào càng phổ biến được nhiều thông tin như vậy thì xã hội đó càng phát triển nhanh chóng và nó tăng năng suất lao động, làm tăng giá trị nên kinh tế.
Với nhận thức đó, chúng ta đặt ra vấn đề là trong những thông tin đó thì thông tin nào là bí mật và thông tin nào là bí mật nhà nước? Nếu chúng ta làm không khéo và chúng ta mở quá rộng thì không ai dám làm gì cả. Bởi vì người ta rất sợ vi phạm, thậm chí không ai dám tuyên truyền phổ biến", ông Nghĩa cho biết.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị định nghĩa rõ ràng bí mật nhà nước, trước hết là những thông tin mà do nhà nước sản xuất hay nhà nước tạo ra, có nguồn từ các cơ quan nhà nước và được quy định theo luật này thì đó là bí mật nhà nước. Trước hết là phải từ nhà nước.
Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước trước hết thuộc về nhà nước. Công dân có trách nhiệm nhưng trách nhiệm của công dân và các tổ chức, các doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng, khác với trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Hai loại trách nhiệm này khác nhau.
Thứ ba, theo ông Nghĩa, dự thảo quy định phạm vi bí mật nhà nước quá rộng. Vị đại biểu này lấy ví dụ, chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về đối nội - đối ngoại.
"Tất nhiên từ phạm vi này thì chúng ta sẽ làm danh mục, chúng ta sẽ định nghĩa cấp 1, cấp 2, cấp 3 nhưng trong phạm vi này, nếu người ta đọc trong luật này thì thấy phạm vi này có nhiều vấn đề đâu phải thuộc về nhà nước.
Tiếp theo, có những chủ trương chính sách Đảng, nhà nước là phải tuyên truyền, phổ biến cho nhanh, cho rộng. Chẳng hạn, thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người dân học tập. Hay trong vấn đề tư pháp, khởi tố hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không thể công khai tranh luận; phiên tòa, cáo trạng phải tống đạt đến người này, người kia. Trong đó có những vấn đề như lĩnh vực kinh tế thì thông tin về tài chính ngân hàng nhiều lúc cần phải được phổ biến nhanh và rộng", ông Nghĩa nói.
Dẫn chứng cụ thể hơn từ dự thảo Luật, đại biểu Trương Trọng cho biết, tại Điều 5, các hành vi bị nghiêm cấm có câu: "Soạn thảo lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước". Ông cho rằng, nếu Điều 5 khoản 5 này áp vào phạm vi như trên thì không ai không dám soạn thảo và lưu giữ tài liệu nào cả.
Bởi trong các cuộc họp, trong khi giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhiều người không muốn nhận những tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Khi nhận vào sẽ phải lĩnh trách nhiệm bảo vệ, bảo quản, và sau này có thể bị liên lụy trong trường hợp này, trường hợp khác.
"Với cách quy định thế này, tôi cho rằng cần phải xem xét lại và cần phải đánh giá lại tác động của dự thảo Luật. Nếu chúng ta thấy chưa yên tâm đề nghị nên hoàn thiện thêm, làm cho rõ hơn. Luật pháp mà chung chung, thu hẹp quá hoặc mở rộng quá và để cho giải thích theo nhiều nghĩa thì khi đưa ra áp dụng, tôi cho rằng có những tác hại ngoài ý muốn của chúng ta", ông Nghĩa nói.
Rà soát lại để tránh chồng chéo
Đồng quan điểm với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên Huế) đóng góp thêm ý kiến tại mục 2 Chương III của dự thảo Luật, quy định về cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước.
Theo ông Hiệp, có ý kiến cho rằng dự thảo mới chỉ quy định thẩm quyền cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước, chưa quy định căn cứ để người có thẩm quyền cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước.
"Quy định này dẫn đến lạm quyền trong thực hiện, có thể thấy dù người có thẩm quyền thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự trong cung cấp chuyển giao cũng không thể chắc chắn tài liệu bí mật nhà nước có bị lộ, bị lọt hay không. Khó có thể quy trách nhiệm vì đã trao quyền cho họ nên đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về căn cứ để người có thẩm quyền cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước", ông Hiệp cho biết.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) góp ý thêm Điều 9 về ban hành danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, bà cho rằng, theo quy định tại điều này thì danh mục bí mật nhà nước do người đứng đầu cơ quan, tổ chức lập phải được Bộ Công an thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, với danh mục bí mật nhà nước thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì trong dự thảo luật không có quy định về việc thẩm định sự phản biện trước khi ban hành.
"Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập Ban thẩm định để tổ chức thẩm định đối với danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tương tự như Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp để thẩm định đối với các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo", đại biểu Trần Thị Dung nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) lại đề nghị cho rà soát lại Điều 7 của luật, so sánh với Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin.
"Vì so với Luật tiếp cận thông tin thì Điều 17 quy định rất mở về vấn đề thông tin phải được công khai. Trong đó có quy định về vấn đề các cơ quan Nhà nước phải chủ động công khai cho nhân dân. Nhưng ở đây chúng ta lại quy định theo từng lĩnh vực như thế này, chúng tôi so sánh giữa hai luật ở đây thì thấy rất chồng chéo", bà Khánh nhận định.
Vị đại biểu này lấy ví dụ, trong lĩnh vực đối ngoại vấn đề về thông tin thỏa thuận. Trong đó có nói những văn bản, thông tin thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Đây là những thông tin mật.
Nhưng trong Luật Tiếp cận thông tin lại có quy định: Các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi. Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên. "Như vậy, hai luật này không thống nhất với nhau", đại biểu Khánh nhấn mạnh.
Hay trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, có 70% vụ khiếu nại tố cáo đang là vấn đề rất mắc mớ nhưng lại đóng khung vào là bí mật.
"Quy định quá chung thế này thì những vụ như Thủ Thiêm hay các vụ mà người dân không tìm được bản đồ trước đây thì có lẽ không bao giờ giải quyết được về đất đai vì đưa vào bí mật hết. Chúng tôi đề nghị bỏ chỗ này đi hoặc cần thiết thì phải quy định chi tiết để có giới hạn cụ thể", bà Khánh góp ý.