14:07 21/11/2019

Đường sắt 100.000 tỷ: Chuyên gia nói "quá lãng phí và vô lý"

KIỀU LINH

Bất cứ tuyến giao thông nào trước khi làm cũng phải có luận chứng xem lượng hàng lưu thông bao nhiêu, người đi lại

Bài học chậm tiến độ từ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là vấn đề chuyên gia khuyến nghị nên thận trọng khi thực hiện dự án khác.
Bài học chậm tiến độ từ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là vấn đề chuyên gia khuyến nghị nên thận trọng khi thực hiện dự án khác.

Như VnEconomy đưa tin, mới đây, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, tuyến đường sắt này dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là Dự án được Chính phủ Trung Quốc viện trợ thực hiện.

Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ, cho rằng bất cứ tuyến giao thông nào trước khi làm cũng phải có luận chứng xem lượng hàng lưu thông bao nhiêu, người đi lại, rút ngắn bao thời gian, giảm bao nhiêu chi phí vận tải và quan trọng là tiềm năng về tài chính có đủ hay không. Nếu có luận chứng đầy đủ thì mới làm được. 

Hiện nay, chúng ta đã có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai rồi thì tại sao không củng cố tuyến này lên, thực hiện tốt logistics để vận chuyển hàng hoá mà phải xây dựng tuyến mới. Đây là điều phải quan tâm, đánh giá. 

Hà Nội - Hải Phòng hiện có 3 tuyến gồm quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Đường sắt nên chiến lược phát triển này của Bộ Giao thông Vận tải là theo kiểu mỳ ăn liền, cái gì ngon, đầu tư nhiều tiền thì làm trước. Như vậy là lãng phí, đầu tư đường sắt gấp 3,4 lần đường bộ. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ cũng lưu ý, khi sử dụng nguồn vốn viện trợ từ Trung Quốc phải cân nhắc. "Bài học là tuyến giao thông đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó, giờ còn đắt hơn cả không dùng vốn ODA. Bộ Giao thông phải lưu ý. Nếu dùng vốn ODA Trung Quốc phải cẩn thận, phải tính đến trường hợp họ đưa người, thiết bị vào, hợp tác không tốt, thiếu trách nhiệm, dẫn đến tiền mất tật mang", ông Thuỷ quan ngại.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định bà không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng.

Theo bà Lan, dự án tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư này dù có huy động ở đâu thì rốt cục dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả.

Trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng việc đầu tư hạ tầng kéo lên phía Bắc hiện nay là quá đủ rồi bởi trên thực tế giữa Lào Cai qua các tỉnh về Hà Nội và ra Hải Phòng đã có các tuyến đường có sẵn, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỷ USD.

"Tại sao lại có thể tham lam như vậy, vừa muốn 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, lại vừa muốn 100.000 tỷ làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước", bà Phạm Chi Lan nói.

"Bộ Giao thông Vận tải nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế hơn là việc đề xuất thêm dự án này hay dự án khác", bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm.