13:59 10/09/2018

Đường sắt Việt Nam báo lãi giảm mạnh

KIỀU LINH

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 108,6 tỷ đồng, giảm 20,4% so với 6 tháng năm 2017

Đường sắt Việt Nam báo lãi giảm mạnh.
Đường sắt Việt Nam báo lãi giảm mạnh.

Công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 với diễn biến trái chiều về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng qua đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu dịch vụ vẫn là mảng đem lại nguồn thu chính với 1.252 tỷ đồng, giảm 34%.

Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 11,7%, chỉ còn 173 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng, chi phí tài chính tăng cùng với việc ghi nhận các chi phí khác tăng theo, dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 108,6 tỷ đồng, giảm 20,4% so với 6 tháng năm 2017.

Trước đó, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu năm 2018 doanh thu đạt 8.591 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 374 tỷ đồng.

Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho ngành đường sắt. 7.000 tỷ đồng là khoản vốn nằm trong gói ngân sách 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Số vốn này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, trình Chính phủ xin bố trí vốn từ đầu năm 2017.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, 7.000 tỷ đồng sẽ bố trí cho 4 dự án là Cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Hà Nội - Vinh khoảng 1.400 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Vinh - Nha Trang khoảng 1.800 tỷ đồng, đoạn tuyến Nha Trang - Sài Gòn 1.900 tỷ đồng, gói cải tạo nâng cấp cầu yếu, hầm yếu.

Hiện nay các đơn vị đang xúc tiến các trình tự thủ tục để trình phê duyệt (227 ngày), dự kiến đến giữa năm 2019 mới bắt đầu triển khai thi công được.

Theo chiến lược, kế hoạch của ngành được sắt được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, đến năm 2030, ngành đường sắt cần tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu là 110.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 48.000 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 62.000 tỷ đồng.