13:34 21/02/2019

E-Learning - công cụ đắc lực để đào tạo nhân sự trong doanh nghiệp

Ngọc Thủy

Đào tạo trực tuyến (E-Learning) bao gồm những hình thái đào tạo có hỗ trợ của máy tính và Internet

Một khóa học được thiết kế theo phương pháp Micro Learning của Skillsoft (U.S).
Một khóa học được thiết kế theo phương pháp Micro Learning của Skillsoft (U.S).

Đào tạo trực tuyến (E-Learning) bao gồm những hình thái đào tạo có hỗ trợ của máy tính và Internet, ra đời vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước. Gần đây với sự phát triển của công nghệ, có nhiều xu hướng mới đang nổi lên hỗ trợ đắc lực cho giáo dục, đào tạo tại công sở.

"Gốc gác" e-Learning bắt đầu từ nhu cầu đào tạo từ xa. Từ đầu thế kỷ XIX, Isaac Pitman, với những khóa học qua thư của mình đã đặt nền móng cho việc đào tạo vượt qua những khoảng cách địa lý, thể hiện ham muốn học hỏi lớn lao của con người. Đến những năm 80, với sự ra đời của máy tính cá nhân, những khóa học đã được thiết kế để học trên máy tính (CBT - Computer Based Training).

Nhưng phải đến khi Internet trở nên bùng nổ, cụm từ E-Learning mới bắt đầu xuất hiện và dần trở nên phổ biến. E-Learning ra đời như một nhu cầu tất yếu của xã hội, tận dụng tối đa những lợi thế mà máy tính và Internet mang lại.

Trải qua những thay đổi và phát triển, người học đã chuyển từ "đào tạo trên máy tính" đến "học bất kỳ khi nào bạn muốn". Điều này đã khiến E-Learning sớm trở nên phổ biến, được hàng ngàn công ty và tập đoàn sử dụng như một giải pháp thiết yếu cho sự phát triển quy mô nhân sự của mình.

Dù có thể được hiểu một cách đơn giản là quá trình truyền tải kiến thức và kiểm soát kết quả hiệu quả thông qua các phương tiện điện tử, E-Learning cũng có những xu hướng và hình thái khác nhau, tùy thuộc vào nội dung kiến thức và nhu cầu cụ thể của đơn vị triển khai.

Blended learning là sự kết hợp của nhiều hình thức đào tạo khác nhau, trong đó cả online và offline. Các thông tin, kiến thức mang tính nền tảng, hoặc tài liệu tham khảo thường được chuyển thành dạng số (digital) để người học tiếp cận qua máy tính hoặc internet. Trong khi các hoạt động hướng dẫn, hỏi đáp, tương tác sẽ được thực hiện offline.

Mô hình đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến bổ khuyết lẫn nhau, giúp học viên tiếp thu tốt đồng thời có khả năng ghi nhớ lâu hơn. Đến nay, mô hình blended learning đã được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực xã hội và được xem là hình thức đào tạo mang lại hiệu quả cao cho học viên.

Hiểu một cách đơn giản, Gamification là việc ứng dụng các nguyên lý, hành động trong game vào những lĩnh vực, tình huống không phải game (ví dụ: đào tạo), khiến người tham gia cảm thấy hào hứng và tương tác nhiều hơn. Gamification đặt trải nghiệm và cảm hứng của con người lên trên những yếu tốt khác, do đó việc thiết kế những khóa học, phương pháp tiếp thu đều tập trung vào con người (Human-focus design), nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất.

Những thay đổi này khiến việc học trở nên hứng khởi và thu hút, đồng thời khiến người học tiếp thu nhanh hơn, đồng thời cũng cải thiện khả năng khơi gợi kiến thức dựa trên những trải nghiệm độc đáo với khóa học.

Xã hội càng phát triển, con người càng trở nên bận rộn hơn, đặc biệt tại công sở, có rất ít thời gian dành cho học tập. Micro Learning ra đời là một giải pháp cho vấn đề đó.

Microlearning là một hình thức giáo dục và đào tạo kĩ năng online chia nhỏ khối kiến thức lớn thành một loạt các thông tin theo từng đợt ngắn và phân phối tuần tự theo thời gian. Với cách thức này, lượng thông tin cho mỗi lần học rất ít, dễ dàng quản lí và được truyền đạt một cách đều đặn theo thời gian.

Các khóa học online vì vậy được thiết kế ngắn gọn, xúc tích và đủ ý, được trình bày qua những bài học ngắn từ 3 đến 5 phút, giúp người học có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi trong ngày để học. Khi kết thúc một mô-đun nhỏ, học viên sẽ được cấp quyền để truy cập vào mô-đun tiếp theo cho đế khi kết thúc, để đảm bảo bài học diễn ra theo một chu trình liên tục.

Không chỉ đơn thuần là truyền tải những khóa học được lựa chọn sẵn, Personized learning thúc đẩy người học lựa chọn chương trình học phù hợp với nhu cầu, thời gian biểu của mình. Trong khi đào tạo tập trung truyền thống không cho phép điều này, e-Learning lại hỗ trợ cá nhân hóa rất đắc lực. Ngay từ lúc thiết kế chương trình học, học viên có thể cùng tham gia với nhà quản lý để lựa chọn chính xác những gì họ cần. Điều này khiến người học hứng thú hơn và chủ động học tập.

Con đường phát triển của E-Learning cũng rộng rãi, nhưng tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin và kinh nghiệm. Trong khi đó các đơn vị cung cấp e-Learning chỉ bán khóa học, không theo sát quá trình triển khai. Gần đây bắt đầu có những gương mặt mới quan tâm tới 1 giải pháp e-Learning bài bản, từ khảo sát nhu cầu, tư vấn tới chịu trách nhiệm triển khai, như NexEdu Việt Nam.