11:51 05/06/2019

FED tính hạ lãi suất, đồng USD xuống đáy 7 tuần

Bình Minh

Không chỉ FED mà một loạt ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đã và đang cân nhắc khả năng hạ lãi suất

Đồng USD đang chịu áp lực giảm do khả năng FED hạ lãi suất - Ảnh: Reuters.
Đồng USD đang chịu áp lực giảm do khả năng FED hạ lãi suất - Ảnh: Reuters.

Tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế rớt xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu cắt giảm lãi suất để ứng phó với rủi ro suy giảm tăng trưởng ngày càng lớn do chiến tranh thương mại.

Trong một phát biểu vào ngày thứ Ba, Chủ tịch FED Jerome Powell không còn nói rằng FED sẽ "kiên nhẫn" trong vấn đề chính sách tiền tệ như ông vẫn thường nói mấy tháng gần đây. Thay vào đó, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói rằng FED sẽ phản ứng "phù hợp" với sức ép mà vấn đề thương mại gây ra với kinh tế Mỹ.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động trong khoảng 94,04-94,07 điểm trong phiên sáng ngày thứ Tư tại thị trường châu Á, sau khi rớt xuống dưới 97 điểm trong phiên ngày thứ Ba tại New York - mức thấp nhất kể từ ngày 18/4.

Chỉ số này hiện đã giảm 1,3% kể từ mức đỉnh của hơn 2 năm là 98,371 điểm thiết lập hôm 23/5, hãng tin Reuters cho hay.

Trao đổi với Reuters, chiến lược gia tiền tệ Masafumi Yamamoto thuộc Mizuho Securities, nói rằng các đồng tiền chủ chốt đang phản ứng trước phát biểu mới nhất từ ông Powell, nhưng từ trước đó, khả năng FED cắt giảm lãi suất do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm đã được phản ánh vào tỷ giá.

Trong mấy tuần gần đây, một số ngân hàng trung ương đã tiến hành hạ lãi suất. Những động thái này có thể báo hiệu cho sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu mới nhằm ngăn ngừa một đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

"Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn. Đây là một dạng đi tắt đón đầu", ông Yamamoto phát biểu. "Điều này không nhất thiết có nghĩa là nền kinh tế đang xấu đi, mà là triển vọng đang xấu đi. Vấn đề chủ yếu liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Mexico".

Hôm thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, đưa lãi suất này về mức thấp kỷ lục 1,25%, đồng thời phát tín hiệu có thể giảm thêm lãi suất nếu triển vọng tăng trưởng tiếp tục suy yếu. Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của RBA sau gần 3 năm.

Theo số liệu công bố sáng thứ Tư, nền kinh tế quy mô 1,3 nghìn tỷ USD của Australia chỉ tăng 0,4% trong quý 1 so với quý 4/2018. So với cùng kỳ 2018, kinh tế Australia quý 1 chỉ tăng 1,8%, mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập niên.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương New Zealand có động thái giảm lãi suất đầu tiên sau 2 năm rưỡi để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc và chống chọi với những bất ổn toàn cầu.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên lãi suất cơ bản, nhưng đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) được dự báo sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày thứ Năm tuần này.