12:58 05/12/2019

Giá dầu có thể bốc hơi 30% nếu OPEC+ không giảm sản lượng sâu hơn

Bình Minh

“Triển vọng giá dầu sẽ u ám nếu OPEC+ không đạt nhất trí cắt giảm thêm sản lượng”, một chuyên gia nhận định

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đang đối mặt sức ép phải có hành động quyết liệt để ngăn sự sụt giảm của giá dầu.

Theo trang CNN Money, hầu hết các nhà phân tích đều dự báo vào ngày thứ Sáu tuần này, sau khi kết thúc cuộc họp ở Vienna, Áo, OPEC+ sẽ công bố gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng mà khối đã thực thi từ đầu năm đến nay.

Nhưng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc OPEC+ chỉ đơn thuần gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng có thể sẽ không đủ để "đấu lại" với nguồn cung dầu Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020. Từ đầu năm đến nay, OPEC+ thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, và thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 tới nếu không đợc gia hạn thêm.

Nếu OPEC+ không giảm sản lượng sâu hơn, thị trường dầu lửa thế giới sẽ bị thừa khoảng 800.000 thùng dầu mỗi ngày trong nửa đầu 2020, theo dự báo của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy.

Tình trạng cung vượt cầu này sẽ dẫn tới một "đợt điều chỉnh mạnh mẽ của giá dầu", đẩy giá dầu xuống cận dưới của vùng giá 40-50 USD/thùng chỉ trong một khoảng thời gian chóng vánh, Rystad dự báo. Cú giảm như vậy đồng nghĩa giá dầu Brent sẽ "bốc hơi" khoảng 30% từ mức gần 63 USD/thùng hiện nay.

"Triển vọng giá dầu sẽ u ám nếu OPEC+ không đạt nhất trí cắt giảm thêm sản lượng", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa thuộc Rystad, nhận định trong một báo cáo ra ngày thứ Tư.

Giới giao dịch dầu lửa hiện đang kỳ vọng OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm ít nhất vài tháng. "Nếu thỏa thuận không được gia hạn tới ít nhất tháng 6, thì giá dầu sẽ phản ứng rất tiêu cực", các nhà phân tích thuộc công ty tư vấn FGE viết trong một báo cáo ra hôm thứ Tư.

Năm nay, thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC đã giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giá dầu, dù giá dầu Brent hiện đang thấp hơn khá nhiều so với mức 70 USD/thùng đạt được vào tháng 10/2018.

Vấn đề nằm ở chỗ các quốc gia sản xuất dầu lửa ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ, đang tăng mạnh sản lượng khai thác dầu.

Rystad dự báo sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm kỷ lục 2,3 triệu thùng/ngày trong 2020. Mức tăng này sẽ phá vỡ kỷ lục trước đó là mức tăng 1,96 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 1978.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ giữ vai trò đóng góp nhiều nhất vào tình trạng dư thừa dầu có thể xảy ra trong năm 2020. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong năm tới, theo Rystad.

Không chỉ có vậy, sản lượng dầu của Na Uy và Brazil cũng được dự báo tăng thêm tổng cộng 1 triệu thùng/ngày trong năm tới, Rystad cho hay. Ngoài ra, sản lượng dầu của Canada và Guyana cũng nhiều khả năng sẽ tăng.

Còn có một vấn đề nữa khiến OPEC "đau đầu": một số thành viên trong khối, bao gồm Nigeria và Iraq, không tuân thủ đầy đủ hạn ngạch khai thác dầu trong khối. Các nước này không cắt giảm sản lượng như đã nhất trí, thậm chí khai thác nhiều hơn, khiến tình trạng thừa dầu càng thêm phần nghiêm trọng.

Iraq "về cơ bản đã phớt lờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC", ông Matt Smith, Giám đốc phụ trách nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, phát biểu.

Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã phải gánh vác phần lớn mức cắt giảm sản lượng của thỏa thuận. Nhưng đã có nhiều mối hoài nghi về việc liệu Saudi Arabia có sẵn sàng cắt giảm sản lượng sâu hơn khi mà nhiều thành viên khác trong khối vẫn khai thác dầu vượt mức hạn ngạch.

"Rất khó có chuyện Saudi Arabia chính thức nhất trí giảm sản lượng sâu hơn", trừ phi các thành viên khác trong OPEC+ cũng chính thức cam kết giảm sản lượng sâu hơn", một báo cáo của công ty tư vấn FGE nhận định.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Saudi Arabia nằm ở chỗ, dù có không muốn giảm thêm sản lượng, họ cũng không muốn giá dầu lao dốc. Riyadh dựa vào nguồn thu từ dầu lửa để thanh toán những khoản chi tiêu khổng lồ về phúc lợi xã hội và quốc phòng.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để cân bằng ngân sách, Saudi Arabia cần giá dầu Brent ở mức khoảng 84 USD/thùng. Giá dầu thấp hơn sẽ buộc nước này phải rút dần dự trữ ngoại hối, phát hành trái phiếu để vay vốn, hoặc cắt giảm chương trình trả cổ tức của công ty dầu lửa quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco.

Bối cảnh bấp bênh hiện nay đã buộc nhiều công ty dầu lửa lớn củng cố tình hình tài chính bằng cách trả bớt nợ nần và huy động tiền mặt. Không ai muốn một lần nữa chứng kiến làn sóng phá sản trong ngành dầu lửa sau đợt "lao dốc không phanh" của giá dầu hồi năm 2015-2016.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc đón nhận sự biến động. Chúng tôi chẳng thể dự báo giá dầu sẽ đi về đâu", Tổng giám đốc (CEO) Ryan Lance của hãng dầu lửa ConocoPhillips nói với hãng tin Bloomberg hôm thứ Tư.