Giá dầu giảm khiến Na Uy phải rút tiền từ quỹ lợi ích quốc gia “nghìn tỷ đô”
Na Uy bất ngờ rút khoảng 400 triệu USD từ quỹ lợi ích quốc gia khổng lồ của nước này trong tháng 8 vừa qua
Na Uy bất ngờ rút khoảng 400 triệu USD từ quỹ lợi ích quốc gia khổng lồ của nước này trong tháng 8 vừa qua, đánh dấu đợt rút đầu tiên trong vòng hơn 1 năm - hãng tin Bloomberg cho hay. Động thái này của Na Uy - nước sản xuât dầu lửa lớn nhất ở khu vực Tây Âu - diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới đi xuống.
Na Uy hiếm khi phải rút tiền từ quỹ đầu tư lợi ích quốc gia. Lần đầu tiên Chính phủ Na Uy phải rút tiền từ quỹ này diễn ra vào năm 2016, khi giá dầu thế giới trải qua một đợt giảm chóng mặt.
Quỹ lợi ích quốc gia tích lũy từ nguồn thu xuất khẩu dầu lửa đóng vai trò như một "tấm nệm" tài chính, giúp Ngân hàng Trung ương Na Uy tránh phải dùng những biện pháp kích thích tiền tệ mạnh tay như nhiều quốc gia khác phải sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế trong những năm gần đây.
Đợt rút tiền khỏi quỹ trên trong tháng 8 diễn ra khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng. Bộ Tài chính Na Uy nói rằng đợt rút tiền này là cần thiết để đảm bảo sự cân bằng giữa thu và chi trong lĩnh vực dầu khí trong năm nay.
"Thông tin mới cũng cho thấy có thể phải có thêm những đợt rút tiền nữa trong những tháng sắp tới", tuyên bố của Bộ Tài chính Na Uy có đoạn viết. "Do dòng tiền từ dầu khí giảm xuống và quỹ đã trở nên quá lớn, quỹ sẽ được rút thường xuyên hơn. Và cuối cùng, việc rút tiền này sẽ trở thành bình thường mới".
Tuy nhiên, đợt rút tiền tháng 8 khỏi quỹ lợi ích quốc gia của Na Uy vẫn gây bất ngờ. Trong kế hoạch ngân sách điều chỉnh hồi tháng 5, Chính phủ Na Uy dự kiến sẽ gửi tổng cộng 34 tỷ Kroner, tương đương 3,7 tỷ USD, vào quỹ lợi ich quốc gia trong năm 2019. Đợt rút tiền khỏi quỹ trong tháng 8 khiến lượng tiền gửi ròng của Chính phủ Na Uy trong quỹ này tính đến tháng 8 giảm còn 19,9 tỷ Kroner, đặt ra khả năng Chính phủ không đạt mục tiêu tiền gửi cả năm.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, giảm còn khoảng 56 USD/thùng vào đầu tháng 8 do lo ngại thương chiến Mỹ-Trung sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, kế hoạch ngân sách của Chính phủ Na Uy dự kiến giá dầu Brent dao động trong khoảng 67-70 USD/thùng trong thời gian từ tháng 8 đến hết năm - đồng nghĩa với giá dầu bình quân 61 USD/thùng trong cả năm.
Cũng trong tháng 8, Ngân hàng Trung ương Na Uy cho biết sẽ tăng 40% lượng tiền Kroner mua vào hàng ngày trong tháng 9 so với tháng 8, một dấu hiệu cho thấy Na Uy muốn tăng chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu sang đồng nội tệ để phục vụ cho chi tiêu của Chính phủ.
Sản xuất dầu thô và khí đốt từ thập niên 1970, Na Uy đến nay đã tích lũy được hơn 1 nghìn tỷ USD trong quỹ lợi ích quốc gia, theo đó sở hữu quỹ lợi ích quốc gia vào hàng lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Erna Solberg là nhà lãnh đạo đầu tiên của Na Uy rút tiền từ quỹ lợi ích quốc gia cho chi tiêu công. Bà Solberg cũng là nhà lãnh đạo chi tiêu nhiều nhất trong nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Na Uy. Năm nay, Chính phủ của bà Solberg dự kiến sẽ tiêu 238 tỷ Kroner, tương đương gần 26 tỷ USD, tiền thu từ xuất khẩu dầu, so với mức chi 214 tỷ Kroner từ nguồn thu này trong năm ngoái.
Tuy nhiên, số tiền mà Chính phủ Na Uy rút từ quỹ lợi ích quốc gia trong hai năm 2016 và 2017 vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền khoảng 200 tỷ Kroner mà quỹ này thu về mỗi năm từ cổ tức, lãi trái phiếu và lãi đầu tư bất động sản.