09:32 08/09/2019

Giá dầu giữ đà tăng nhờ lời hứa của Chủ tịch FED

Thăng Điệp

Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,6% và giá dầu Brent tăng 3,9%

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhắc lại lời hứa sẽ "hành động phù hợp" để duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sức ép từ thương chiến.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 10 tại thị trường New York tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 56,52 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 10 tăng 0,59 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 61,54 USD/thùng.

Phát biểu tại Đại học Zurich, Chủ tịch FED Jerome Powell nói ngân hàng trung ương này có nghĩa vụ "sử dụng các công cụ của mình để hỗ trợ nền kinh tế và đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm". Tuyên bố này của ông Powell khiến thị trường củng cố dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào giữa tháng này.

Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu đã chịu áp lực giảm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm tháng 8 không khả quan như dự báo. Tuy nhiên, sau bài phát biểu của ông Powell, giá dầu đã chuyển sang trạng thái tăng.

Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,6% và giá dầu Brent tăng 3,9%.

Hỗ trợ chủ yếu cho giá dầu trong tuần này là tuyên bố Mỹ-Trung sẽ nối lại đàm phán thương mại trong tháng 10.

Ngoài ra còn có báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh trong tuần cuối của tháng 8, với mức giảm 4,8 triệu thùng, lớn gấp khoảng 3 lần so với dự báo. Đây là tuần thứ ba liên tiếp tồn kho dầu của Mỹ sụt giảm.

Ngoài ra, giá dầu cũng được đẩy lên bởi một số dữ liệu kinh tế tốt từ Mỹ và Trung Quốc.

Đến nay, giá dầu Brent đã có 4 tuần tăng liên tiếp và giá dầu WTI đã tăng liền 2 tuần, nhưng giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng trong dự báo giá dầu. Nguyên nhân là các nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ không sớm kết thúc và sẽ tiếp tục đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng UBS dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới chỉ tăng 900.000 thùng/ngày trong 2019 và 2020. Dự báo của các chuyên gia khác cũng giảm về ngưỡng khoảng 1 triệu thùng/ngày, so với dự báo trước đó khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.

"Nếu thương chiến leo thang cao hơn, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu càng yếu, khiến giá dầu giảm thêm", ông Staunovo nói với trang MarketWatch, đồng thời dự báo giá dầu Brent sẽ dao động quanh ngưỡng khoảng 55 USD/thùng trong năm tới.

Sản lượng dầu thô của Mỹ hiện vẫn đang ở gần ngưỡng kỷ lục, dù số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở nước này tiếp tục bị cắt giảm. Theo dữ liệu từ Baker Hughes, số giàn khoan dầu ở Mỹ giảm 4 giàn trong tuần này, còn 738 giàn, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục hạn chế sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Một cuộc khảo sát do S&P Global Platts thực hiện cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng trong tháng 8 của 11 thành viên OPEC bị ràng buộc bởi thỏa thuận đạt 103%.

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô tháng 8 của OPEC vẫn tăng 50.000 thùng/ngày, đạt 29,93 triệu thùng/ngày, kết quả khảo sát cho thấy.