Giá dầu lên gần đỉnh do nỗi lo nguồn cung gián đoạn
Tuy nhiên, khả năng OPEC và Nga sắp kết thúc thỏa thuận giảm sản lượng dầu đã trở thành nhân tố hạn chế sự đi lên của giá năng lượng này
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi chiến sự ở Libya và lượng dầu xuất khẩu sụt giảm của Venezuela và Iran làm gia tăng mối lo về sự thắt chặt nguồn cung.
Tuy nhiên, khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga sắp kết thúc thỏa thuận giảm sản lượng dầu đã trở thành nhân tố hạn chế sự đi lên của giá năng lượng này.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở 64,05 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu WTI có lúc đạt 64,79 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 1/11.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau chốt phiên tăng 0,54 USD/thùng, đạt 71,72 USD/thùng. Hôm thứ Sáu, giá dầu Brent có lúc đạt 71,87 USD/thùng, cao nhất 5 tháng.
"Chúng tôi xem việc giá dầu chững lại trong tuần trước chỉ là một sự tạm dừng trong thị trường giá lên bền vững của năng lượng này. Khả năng giá dầu lập thêm những đỉnh mới là rất lớn", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận xét.
Tại Libya, chiến sự giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya do tướng Khalifa Hafta đứng đầu và Chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli đang đặt ra nguy cơ sụt giảm nguồn cung dầu từ nước này. Thậm chí, có nhiều dự báo cho rằng sản lượng dầu của Libya, một nước thành viên OPEC, có thể giảm về 0 vì chiến sự.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai thành viên OPEC khác là Iran và Venezuela đã và đang khiến xuất khẩu dầu của hai nước này lao dốc. Theo nguồn thạo tin, xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất hàng ngày trong năm nay.
"Sản lượng dầu suy sụp của Venezuela và lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran đã đặt ra một dấu hỏi lớn về nguồn cung", chuyên gia Norbert Ruecker thuộc Julius Baer nhận định. "Với nhiều mối lo về nguồn cung như vậy, tâm lý thị trường đang chuyển sang tin tưởng vào sự tăng giá của dầu, và điều này sẽ còn hỗ trợ cho giá dầu trong vài tuần tới".
Tuy nhiên, giá dầu cũng đang đối mặt một số sức ép giảm. Cụ thể là khả năng Nga có thể từ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà nước này đang thực thi cùng với OPEC. Ngoài ra, kỳ vọng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cũng là một nhân tố cản trở giá dầu tăng cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 30%, chủ yếu nhờ OPEC và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Thỏa thuận này được thực hiện từ tháng 1 và đến tháng 6, nhóm sẽ quyết định có gia hạn thỏa thuận hay không.
Một quan chức của hãng dầu lửa quốc doanh Nga Gazprom ngày thứ Ba nói rằng thỏa thuận trên có thể kết thúc vào cuối tháng 6 năm nay chứ không được gia hạn thêm.
Trước đó, đầu tuần này, hãng thông tấn Tass dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng Nga và OPEC có thể nâng sản lượng dầu trở lại để cạnh tranh thị phần với Mỹ.
"Đang xuất hiện một mối lo rằng Nga sẽ không nhất trí gia hạn việc cắt giảm sản lượng, và họ sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận trong một vài tháng nữa", nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận xét.
Giới phân tích dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng thêm 1,9 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Dữ liệu chính thức về dự trữ này sẽ được Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào ngày thứ Năm.