09:19 18/05/2019

Giá dầu tăng tuần này do căng thẳng ở vùng Vịnh

Diệp Vũ

Giá dầu tăng trong tuần này do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông

Một cơ sở dầu lửa ở Iraq, tháng 12/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một cơ sở dầu lửa ở Iraq, tháng 12/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng tăng trong tuần này do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng.

Theo tin từ CNBC, quan chức cấp cao thứ nhì của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 17/5 tuyên bố nước này có thể "dễ dàng" tấn công vào các chiến hạm của Mỹ ở vùng Vịnh. Đây là lời cảnh báo mới nhất trong cuộc "đấu khẩu" gay gắt giữa Tehran và Washington những ngày qua. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran đang tiếp tục những nỗ lực ứng phó với lệnh trừng phạt của Mỹ và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lui.

Các biện pháp trừng phạt của Washington đã khiến xuất khẩu dầu của Iran, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), giảm sâu hơn trong tháng 5. Điều này khiến nguồn cung dầu OPEC càng siết lại bởi khối này và Nga từ đầu năm đến nay đã thực hiện thỏa thuận hạn chế khai thác.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giảm 0,11 USD/thùng, còn 62,76 USD/thùng.

Tính cả tuần, dầu WTI tăng 1,8%, đánh dấu tuần đi lên đầu tiên sau 3 tuần giảm liên tiếp.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,41 USD/thùng, còn 72,21 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,3%, sau khi giảm trong 2 tuần trước đó.

"Giá dầu đang nhạy cảm với những diễn biến ở vùng Vịnh. Những sự kiện nho nhỏ về quân sự ở khu vực này cũng khiến rủi ro địa chính trị tăng, kéo giá dầu lên", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận xét.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ cáo buộc của Saudi Arabia nói rằng Tehran ra lệnh thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia. Đây là vụ tấn công mà du kích Houthi thân Iran ở Yemen đã đứng ra lãnh trách nhiệm.

Hôm thứ Năm, một liên minh do Riyadh đứng đầu đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào thủ đô Sanaa của Yemen, nơi Houthi đang nắm quyền kiểm soát.

"Khi căng thẳng gia tăng tới mức này, cộng thêm việc Mỹ triển khai một lực lượng quân sự lớn tới Trung Đông, thì dù chỉ một sai lầm nhỏ của Iran cũng có thể thổi bùng ngọn lửa xung đột ở khu vực", ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch của SPI Asset Management, nhận định.

"Với mức độ căng thẳng này, có nhiều rủi ro về nguồn cung", ông Innes nói.

Thị trường hiện cũng đang chờ xem liệu OPEC và đối tác, chủ yếu là Nga, có tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu qua tháng 6 năm nay. Việc OPEC và Nga siết sản lượng là nhân tố chính giúp giá dầu tăng hơn 30% từ dầu năm.

Vào cuối tuần này, một ủy ban của OPEC sẽ họp tại Saudi Arabia để đánh giá về tình hình thực thi cam kết sản lượng, theo đó đưa ra đề xuất về việc có gia hạn sản lượng hay không.

Căng thẳng ở Trung Đông đã lấn át những yếu tố gây sức ép giảm giá dầu trong tuần này, như tồn kho dầu thô của Mỹ tăng và sản lượng khai thác dầu của nước này lập kỷ lục mới.

Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm bởi mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung bế tắc.