11:07 16/11/2019

Giá dầu tăng tuần thứ hai liên tục nhờ kỳ vọng "chốt" thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Thăng Điệp

Tăng trong phiên ngày thứ Sáu, cả giá dầu WTI và Brent cùng chốt tuần tăng thứ hai liên tục

Hai công nhân đi ngang qua những đường ống dẫn dầu ở một cơ sở dầu lửa của Nga hồi tháng 1/2014 - Ảnh: Getty/CNBC.
Hai công nhân đi ngang qua những đường ống dẫn dầu ở một cơ sở dầu lửa của Nga hồi tháng 1/2014 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chốt tuần tăng thứ hai liên tục, nhờ lạc quan về khả năng Mỹ-Trung sớm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu khá dè dặt do giới giao dịch thận trọng trước những tín hiệu trái chiều về nguồn cung năng lượng.

Trang MarketWatch dẫn lời ông Manish Raj, Giám đốc tài chính thuộc Velandera, nhận định rằng giá dầu được hỗ trợ bởi "niềm lạc quan gia tăng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ sớm đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc". Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang đi vào những chi tiết cuối cùng.

"Bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ gỡ bỏ những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu, và sẽ giữ vai trò hỗ trợ quan trọng đối với thị trường dầu", ông Raj nói.

Nâng đỡ giá dầu phiên này còn có số liệu cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm xuống tuần thứ tư liên tiếp. Theo báo cáo của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động giảm 10 giàn trong tuần này, còn 674 giàn.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 12 tại thị trường New York, tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 57,72 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 63,3 USD/thùng.

Tuần này, giá dầu WTI tăng 0,8%, còn giá dầu Brent tăng 1,3%. Đây là tuần tăng thứ hai liên tiếp của cả hai loại dầu.

Diễn biến thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường dầu trong tuần này. Hôm thứ Năm, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra đánh giá lạc quan về đàm phán thương mại, cho dù không đề cập đến các chi tiết cụ thể.

Ông Kudlow nói các nhà đàm phán hai nước đang tiến đến gần một thỏa thuận nhưng Tổng thống Donald Trump chưa sẵn sàng cho việc ký thỏa thuận đó. Ông Trump "hài lòng với những gì ông ấy đang chứng kiến, nhưng ông ấy chưa sẵn sàng đưa ra một cam kết, ông ấy chưa chốt cam kết cho thỏa thuận giai đoạn 1, và chúng tôi chưa nhất trí về thỏa thuận này", tờ Wall Street Journal dẫn lời vị cố vấn.

Tuy nhiên, giá dầu trong phiên ngày thứ Sáu cũng chịu áp lực giảm từ dự báo ảm đạm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về nguồn cung năng lượng.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA nâng dự báo sản lượng khai thác dầu của các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Tổ chức này cho rằng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày trong 2020, cao hơn so với mức dự báo tăng 2,2 triệu thùng/ngày đưa ra trong báo cáo trước.

Vào hôm thứ Năm, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 8/11 tăng thêm 2,2 triệu thùng. Sản lượng khai thác dầu thô trong tuần báo cáo cũng tăng 200.000 thùng/ngày, đạt kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày.

Trái lại, trong báo cáo hàng tháng công bố hôm thứ Năm, OPEC hạ nhẹ dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của khối.

Tuy nhiên, nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhấn mạnh rằng số liệu mà OPEC đưa ra cho thấy nguồn cung dầu toàn cầu trong nửa đầu 2020 sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ 645.000 thùng/ngày. Điều này đặt ra khả năng OPEC và đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể đưa ra quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào đầu tháng 12 tại Vienna, Áo.