Giá dầu tăng yếu vì nỗi lo thừa cung, thiếu cầu
Nhà đầu tư lo rằng nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ có thể sẽ xói mòn những nỗ lực hỗ trợ giá dầu của OPEC và Nga
Giá dầu thế giới tăng yếu đi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi tăng 3% trong phiên trước đó, do dữ liệu cho thấy lượng tồn kho các sản phẩm hóa dầu của Mỹ tăng mạnh và sản lượng dầu thô của nước này đạt mức kỷ lục.
Nhà đầu tư lo rằng nguồn cung dầu dồi dào của Mỹ có thể sẽ xói mòn những nỗ lực hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga - hãng tin Reuters cho hay.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,2 USD/thùng, đạt 52,31 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,68 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 61,32 USD/thùng.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho các sản phẩm hóa dầu của nước này tăng tuần thứ tư liên tiếp, với mức tăng cao hơn dự báo. Thông tin này gây áp lực giảm đối với giá dầu, dù tồn kho dầu thô của Mỹ theo số liệu mà EIA đưa ra giảm nhiều hơn dự báo.
Dự trữ xăng tăng 7,5 triệu thùng, so với dự báo tăng 2,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra. Ở mức 255,6 triệu thùng, dự trữ xăng của Mỹ tuần qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng 3 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,6 triệu thùng. Dự trữ dầu thô giảm 2,7 triệu thùng, nhiều gấp đôi mức dự báo.
"Tồn kho các sản phẩm hóa dầu tăng mạnh là một nhân tố gây áp lực giảm giá dầu, làm mất đi hiệu ứng hỗ trợ giá dầu từ số liệu tồn kho dầu thô sụt giảm", nhà phân tích cấp cao Carsten Fritsch thuộc Commerzbank phát biểu.
Báo cáo của EIA cũng nói rằng sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Xuất khẩu dầu thô của nước này lập kỷ lục gần 3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu và xuất khẩu dầu tăng mạnh của Mỹ là một nhân tố quan trọng kéo tụt giá dầu vào cuối năm ngoái. Năm nay, sản lượng dầu của nươc này được dự báo đạt hơn 12 triệu thùng/ngày, tiến tới đưa Mỹ trở thành một quốc gia xuất khẩu ròng xăng dầu vào cuối 2020, theo EIA.
Sản lượng dầu cao của Mỹ có thể làm suy yếu giá dầu, bất chấp thị trường đang nhận được sự hỗ trợ từ việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Bên cạnh đó, những tín hiệu về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu cũng là một trở ngại lớn đối với sự phục hồi của giá "vàng đen".
Ước tính của Nhà Trắng hôm thứ Ba cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chịu thiệt hại lớn hơn so với dự báo ban đầu tư việc Chính phủ đóng cửa một phần. Những bế tắc về kế hoạch Brexit của nước Anh cũng là một "đám mây đen" đang phủ bóng lên kinh tế toàn cầu.
Dữ liệu do Trung Quốc công bố hôm đầu tuần cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 12 đều sụt mạnh hơn dự báo. Đây được xem là một dấu hiệu quan trọng nữa về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
"Nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ‘cơn khát’ dầu của Trung Quốc đã giữ vai trò trụ cột chính hỗ trợ giá dầu trong những năm qua", nhà phân tích Stephen Brennock thuộc PVM Oil phát biểu. "Sự giảm tốc chưa từng có tiền lệ này của Trung Quốc sẽ gây áp lực lên thị trường dầu toàn cầu và sẽ không giúp ích gì cho những ai đang hy vọng vào sự phục hồi bền vững của giá dầu".