Giá thịt lợn nhập khẩu giảm chỉ còn 35.000 đồng/kg
Nếu như tháng 4/2018, giá thịt lợn nhập khẩu vào khoảng 38.000 đồng/kg thì tháng 5/2018 đã giảm xuống còn 35.000 đồng/kg
Trong tháng 5/2018, Việt Nam đã nhập khẩu 450 tấn thịt lợn đã qua giết mổ, với trị giá 685.820 USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng 4/2018.
Thịt lợn, bò nhập khẩu đã rẻ lại rẻ thêm!
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 5/2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 29.700 tấn, với trị giá 42,59 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với tháng 4/2018.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 113.000 tấn, trị giá 177,6 triệu USD.
Cụ thể, trong tháng 5, lượng thịt lợn đã qua giết mổ nhập khẩu đạt 450 tấn, trị giá 685.820 USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng trước.
Nhập khẩu thịt trâu, bò sống đã qua giết mổ đạt 4.950 tấn, trị giá 18,48 triệu USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với tháng 4.
Điều đáng nói là trong tháng 5, giá thịt lợn và thịt trâu, bò nhập khẩu đã giảm mạnh so với tháng trước đó. Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình đạt 1.523 USD/tấn, tương đương 35.000 đồng/kg, giảm 8,9% so với tháng 4.
Còn giá thịt trâu, bò nhập khẩu trung bình ở mức 3.733 USD/tấn, tương đương 85.800 đồng/kg, giảm 11,3% so với tháng trước (96.700 đồng/kg).
Riêng nhập khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt 18.970 tấn, trị giá 17,22 triệu USD, tăng 55,6% về lượng và tăng 52,3% về trị giá so với tháng 4.
Cùng với đó, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn phụ phẩm sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống trong tháng 5, với 5.227 tấn, trị giá 5,3 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 48,6% về trị giá so với tháng trước.
10 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt chính cho Việt Nam tháng 5/2018.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 36,6% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu, đạt 10.870 tấn, trị giá 13,05 triệu USD, tăng 47,8% về lượng và tăng 24,4% về kim ngạch so với tháng 4/2018.
Đứng thứ 2 là Ấn Độ chiếm 11,5% về lượng, đạt 3.420 tấn, trị giá 7,25 triệu USD, tăng 79,7% về lượng và tăng 81,4% về kim ngạch so với tháng 4/2018.
Việt Nam xuất chính ngạch lô thịt lợn đầu tiên sang Myanmar
Trong khi đó, giá thịt lợn thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng. Đồng thời, xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế đang là một rào cản lớn cho xuất khẩu thịt lợn.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm 2017 lên 113,07 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại Trung Quốc tăng 2,3% lên 54,75 triệu tấn và tại Việt Nam tăng 0,9% lên 2,77 triệu tấn.
Một số quốc gia dự báo có mức tăng trưởng mạnh về sản lượng thịt lợn trong năm nay như Hoa Kỳ tăng 4% lên 12,188 triệu tấn, Mexico tăng 3,5% lên 1,480 triệu tấn và Philippines tăng 3,2% lên 1,635 triệu tấn.
Liên minh châu Âu và Nhật Bản được dự báo sẽ giảm sản lượng thịt lợn trong năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn tại Liên minh châu Âu dự báo giảm 0,2% về 23,35 triệu tấn và tại Nhật Bản giảm 0,4% về 1,27 triệu tấn.
Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Tiếp theo là Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Brazil và Nga. Việt Nam là nguồn cung thịt lợn lớn thứ 6 thế giới.
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm trong 20 ngày đầu tháng 6, giá thịt lợn tại thị trường trong nước tăng trở lại do nguồn cung khan hiếm. Cuối tháng 6/2018, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc được thu mua trong khoảng 49.000 - 51.500 đồng/kg; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi hiện giao dịch trong khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg; tại miền Nam, giá lợn hơi tại khu vực giao dịch trong khoảng 42.000 - 48.000 đồng/kg.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm. So với cuối năm 2017, giá lợn hơi trên cả nước tăng khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, ngành thịt còn có tín hiệu khả quan khi Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch lô hàng thịt lợn đầu tiên sang Myanmar thông qua Tập đoàn Mavin. Dự kiến trong thời gian tới, mỗi tháng Mavin sẽ xuất khẩu ít nhất một container 40 feet thịt lợn, tương đương 26 tấn thịt lợn tươi sang thị trường này.