Giá tiêu sẽ không khởi sắc trong năm 2019
Nếu giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, Việt Nam cần giảm được diện tích ở một số vùng trồng không hiệu quả
Đó là nhận định được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nêu lên tại "Hội nghị tổng kết niên vụ hồ tiêu 2018 phương hướng kế hoạch nhiệm vụ 2019", do VPA tổ chức vào cuối tuần qua tại Tp.HCM.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, bức tranh rõ nhất của thị trường hồ tiêu Việt Nam suốt năm 2018 là sự duy trì giá thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây dù thị trường vẫn sôi động. Đầu vụ thu hoạch (tháng 3/2018), giá tiêu đen tại các địa phương xuống mức 55 - 60 nghìn đồng/kg. Giữa năm 2018, có thời điểm bật lên 60 nghìn đồng/kg nhưng lại giảm còn quanh mức 50 nghìn đồng/kg thời điểm cuối năm. Hiện giá tiêu ở các vùng nguyên liệu dao động từ 43 – 44 nghìn đồng/kg.
Giá biến động khó lường khiến cả chuỗi cung ứng hồ tiêu năm 2018 nhiều bất ổn, thương lái, nhà cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu không dám giao dịch mạnh. Có nhiều thời điểm trong năm nông dân thấy giá tiêu quá thấp đã giảm bán ra khiến doanh nghiệp phải nhập tiêu từ Campuchia, Brazil, Indonesia khi giá các nước đó thấp hơn trong nước, chất lượng lại ổn định hơn.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018, xuất khẩu đạt 235.889 tấn tiêu các loại, được 774,7 triệu USD, so với 2017 tăng 9,7% về lượng nhưng giảm 30,8% về kim ngạch. Việt Nam đang có hơn 120 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu, nếu như 2016 có 23 doanh nghiệp đạt doanh số trên 20 triệu USD thì 2017 còn 16 doanh nghiệp và 2018 chỉ còn 8 doanh nghiệp.
Theo ông Hải, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong xu hướng tăng khiến giá tiếp tục xu hướng giảm, bởi mức cầu tăng thấp hơn mức tăng sản lượng. Năm 2018, Việt Nam đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay về sản lượng nhưng giá trị giảm tới 30,8% so với năm trước, do nguồn cung toàn cầu tăng quá mạnh, chủ yếu từ Brazil, Campuchia và Việt Nam.
Năm 2019, diện tích tiêu bắt đầu giảm và Việt Nam đang tập trung nâng cao chất lượng hơn là số lượng, trong nông dân đang có trào lưu giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, và cố gắng phát triển các trang trại tiêu hữu cơ có chứng nhận an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Dự báo, sản lượng tiêu thế giới trong 2019 sẽ tăng khoảng 8,27% đạt 602 ngàn tấn, và Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về sản lượng sản xuất, khoảng 250.000 tấn và lượng xuất khẩu ước 235 ngàn tấn.
Năm 2018, cả nước chứng kiến sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong ngành hồ tiêu khiến nông dân bỏ mặc tiêu chín hoặc cho không do phí thuê nhân công quá cao. Năm 2019, dự báo áp lực khan hiếm lao động sẽ tăng cao, trong khi dự báo giá tiêu sẽ không khởi sắc.
Dưới góc nhìn của nhà xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản tri, tổng giám đốc Intimex Group cho biết, giá tiêu đang đứng ở mức 43 - 44 nghìn đồng/kg, trong 2 hay 3 năm nữa nếu giá và sản lượng tiêu trên thế giới cùng xuống sẽ có lợi thế cho chúng ta, lúc đó giá tiêu chắc chắn sẽ lên lại nhưng vấn đề là chúng ta cầm cự được bao lâu?
Trường hợp tiêu xuống dưới giá thành nông dân sẽ không bán ra, nhưng hiện nay giá thành sản xuất tiêu của Việt Nam được cho là thấp nhất so với các nước khác. Thời gian qua, giá tiêu duy trì ở mức 44 nghìn đồng/kg, vào giữa vụ thu hoạch sản lượng lớn nhưng chỉ xuống một chút và đến nay vẫn ở mức 44 nghìn đồng/kg, mức giá này người nông dân có thể chấp nhận được.
"Nếu giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, các nước trồng tiêu khác sẽ có độ rủi ro rất cao nên họ đang giảm dần diện tích, giảm được diện tích thì lượng cung cầu trên thị trường mới ổn định. Nếu Việt Nam giảm được diện tích ở một số vùng trồng không hiệu quả, và khi vượt qua giai đoạn khó khăn này chắc chắn giá tiêu sẽ lên lại", ông Nam nhấn mạnh.
Thời gian qua giá tiêu giảm mạnh nên một số nước như Sri Lanka, Indonesia bắt đầu giảm diện tích, Việt Nam cũng đang giảm. Nếu các nước đều giảm thì tình hình hồ tiêu thế giới sẽ có thay đổi trong thời gian tới. Nhưng trong năm 2019, nông dân vẫn tiếp tục chịu đựng giá thấp như hiện nay.