12:22 10/08/2019

Giá vàng miếng trượt 700.000 đồng/lượng so với đỉnh

Diệp Vũ

Tuy nhiên, tuần này vẫn là một tuần tăng mạnh của cả giá vàng trong nước và thế giới

Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 100 USD/oz, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 17% - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 100 USD/oz, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 17% - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Sau phiên giảm vào đêm qua của giá vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước sáng nay (10/8) giảm sâu dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tuần này vẫn là một tuần tăng mạnh của cả giá vàng trong nước và thế giới.

Lúc hơn 11h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 41,45 triệu đồng/lượng và 41,85 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Hôm qua, giá vàng miếng bán ra tại DOJI có lúc đạt 42,5 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ tháng 4/2013. Nếu so với đỉnh giá này, giá vàng miếng tại DOJI hiện giảm 700.000 đồng/lượng.

Tuần này chứng kiến tốc độ tăng bùng nổ của giá vàng trong nước nhờ lực hỗ trợ của giá vàng thế giới. Tính cả tuần, giá vàng miếng đội thêm khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, từ chỗ rẻ hơn vàng thế giới, vàng miếng trong nước có lúc đã trở nên đắt hơn vàng quốc tế trong tuần này. Tuy nhiên, sáng nay, giá vàng miếng SJC bán lẻ lại đứng thấp hơn so với giá vàng thế giới quy đổi.

Nếu tính theo giá USD tự do, giá vàng thế giới hiện tương đương 41,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC bán lẻ 50.000-100.000 đồng/lượng.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác cũng giảm dưới 42 triệu đồng/lượng sáng nay và không chênh lệch nhiều với giá vàng miếng SJC ở chiều bán ra. Chẳng hạn, nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 41,3 triệu đồng/lượng và bán ra là 41,8 triệu đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD/oz, còn 1.497,2 USD/oz.

Dù để mất mốc 1.500 USD/oz, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 3,5% trong tuần này. Mức giá hơn 1.500 USD/oz thiết lập trong tuần cũng là đỉnh giá hơn 6 năm của vàng thế giới.

Đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng thế giới, bao gồm nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu, và hoạt động cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Khi chiến tranh thương mại leo thang mạnh tuần này, thị trường chứng khoán thế giới đã trải qua những phiên giảm mạnh, thúc đẩy nhà đầu tư gom vàng.

Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã nâng khối lượng nắm giữ thêm 1,8% trong 4 phiên đầu tuần và 7,3% từ đầu năm.

Tuần này, ít nhất 4 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hạ lãi suất. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được giới giao dịch dự báo sẽ giảm lãi suất 2-3 lần nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm. Trong đó, thị trường hiện gần như tin chắc FED sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

"Vàng tăng giá mạnh vì đang ở trong một môi trường hoàn hảo để đi lên, với các ngân hàng trung ương hạ lãi suất và lợi suất trái phiếu chuyển sang âm", nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc OANDA nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo về khả năng giá vàng có thể giảm trở lại trong ngắn hạn.

"Giá vàng đã tăng quá nhanh và quá nhiều. Sẽ đến lúc mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu giá vàng có rơi vào tình trạng quá mua (overbought)… và liệu giá có điều chỉnh", ông Erlam nói.

"Chúng tôi không loại trừ khả năng điều chỉnh kỹ thuật, nhưng mức 1.500 USD/oz sẽ trở thành bình thường mới của giá vàng trừ phi quan hệ thương mại tìm được hướng đi đúng đắn", nhà phân tích Jigar Trivedi thuộc Anand Rathi Shares & Stock Brokers nhận xét.

Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 100 USD/oz, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 17%. Theo ông Erlam, nếu vượt qua được vùng 1.520-1.560 USD/oz, giá vàng có thể tăng cao hơn nữa.