Giải quyết vấn nạn “tín dụng đen” bằng cách nào?
Phát triển tín dụng tiêu dùng là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen
Tín dụng đen đang diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, để giải quyết vấn nạn này, giới chuyên môn cho rằng, phát triển tín dụng tiêu dùng được đánh giá là giải pháp quan trọng và hữu hiệu.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tín dụng tiêu dùng đang có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây. Nếu như giai đoạn năm 2013 - 2014, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình chỉ khoảng 15%/năm, thì giai đoạn 2015 - 2017 tốc độ tăng đã lên tới 61,3%/năm.
Riêng năm 2018, tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 29,3% cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống. Với tốc độ tăng trưởng như trên, giới chuyên môn tin rằng, phát triển tín dụng tiêu dùng là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen".
Tiềm năng chưa được khai thác hết
Theo Ngân hàng Nhà nước, Công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam được cấp phép là công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện năm 1998. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều công ty tài chính tham gia thị trường. Thống kê đến ngày 31/12/2018 cho thấy, thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính, trong đó: có 4 công ty tài chính với 100% vốn nước ngoài.
"Tín dụng tiêu dùng phát triển khá nhanh trong 8 năm qua", ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định. Để minh chứng cho nhận định này, ông Lực dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế nhưng đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012), chiếm khoảng 19,4% tổng dư nợ của nền kinh tế (theo Ngân hàng Nhà nước).
Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng tiêu dùng nhưng chủ yếu phục vụ mua nhà, sửa nhà (chiếm khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đến cuối năm 2018 chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ nền kinh tế (so với tỷ lệ 21% của Trung Quốc hay 34,6% của ASEAN-5).
Chủ thể trên thị trường tín dụng tiêu dùng là các ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2018 đó, dư nợ của các công ty tài chính chiếm khoảng 8% (tương đương 110.000 tỷ đồng), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác như: Fintech, tài chính vi mô, cho vay ngang hàng... chiếm khoảng (4%).
Tại cuộc tọa đàm "Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen" được tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá tín dụng tiêu dùng đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong GDP.
Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh/sản xuất/phân phối hàng hóa cho người dân và hộ gia đình. Đặc biệt, tình trạng tín dụng đen đang bùng phát mạnh mẽ cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.
"Đây là dư địa rất lớn cho tín dụng tiêu dùng phát triển. Phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận tín dụng đen và các hệ lụy mà tín dụng đen mang lại", ông Tú Anh chia sẻ.
Giải pháp hiệu quả cho tín dụng đen
Tại buổi tọa đàm trên, giới chuyên môn cũng cho rằng, phát triển tín dụng tiêu dùng là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen". Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển và hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng này, không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính. Cũng từ đó, người dân được nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận với tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính với "tín dụng đen".
Ngoài ra, để người dân có thể tiếp cận tốt hơn các sản phẩm dịch vụ tổ chức tín dụng, bà Kim Anh đề nghị, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về "tín dụng đen".
Còn Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO kiến nghị, cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài.
Chia sẻ về định hướng phát triển tín dụng tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh cho biết, bên cạnh những giải pháp về tạo lập khung pháp lý để phát triển môi trường cho tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh và bền vững, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế, trong đó có cho vay tiêu dùng, góp phần hỗ trợ, kích thích sản xuất kinh doanh.
"Khi tín dụng tiêu dùng phát triển và đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng thì sẽ góp phần đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen trên thị trường hiện nay", ông Tú Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển thực sự bền vững, ông Tú Anh cho biết, vẫn cần có những nỗ lực từ phía các tổ chức tín dụng và khách hàng vay. Các tổ chức tín dụng cũng cần nhanh chóng áp dụng chuẩn mực quản lý rủi ro Basel II để đánh giá đầy đủ các rủi ro hoạt động của mình. Về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tín dụng, nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng để tránh mắc phải những rủi ro đối với chính mình.