Giải thích Hiến pháp để luật đặc khu không vi Hiến
Tranh cãi chưa có hồi kết về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện quyền giải thích Hiến pháp để bảo đảm ban hành luật không vi Hiến.
Đó là đề nghị của đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) tại phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Quốc hội, chiều 22/11.
Đây là phiên họp có số lượng đại biểu đăng ký phát biểu cao kỷ lục, ngoài 30 vị đã đăng đàn (trong đó có 6 người tranh luận) thì còn tới 45 vị đang chờ được bày tỏ chính kiến, khi thời gian cho phiên họp chiều đã hết.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là một đạo luật rất quan trọng, rất lớn, mới và có những nội dung phức tạp. Ngoài lý do này, dự án luật có những đề xuất được cho là chưa phù hợp với Hiến pháp, khiến một số vị đại biểu thấy cần phải giơ biển tranh luận.
Đó là quy định về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Về vấn đề này, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về hai phương án.
Phương án 1: không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.
Phương án 2: tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
Ngay từ khi chưa trình Quốc hội, ở khâu thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật đã có hai loại ý kiến, một loại tán thành phương án hai vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 (điều 110 và điều 111).
Cụ thể, theo Điều 110 của Hiến pháp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập là một trong các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 111 của Hiến pháp quy định: "1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định".
Qua thảo luận ở tổ và hội trường, số đại biểu chọn phương án 1 vẫn nhiều hơn các vị chọn phương án còn lại. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) khẳng định phương án 1 không vênh với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì Hiến pháp có những quy định mở, tổ chức chính quyền làm sao phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Lý giải này được một số vị khác đồng tình.
Nhưng, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định quy định ở phương án 1 không phù hợp với Hiến pháp.
Theo đại biểu Vân thì điều 111 của Hiến pháp đã minh định rất rõ ràng. Quốc hội trước hết phải tuân thủ Hiến pháp, ông Vân nhấn mạnh.
Cũng viện dẫn điều 111 Hiến pháp, đại biểu Lê Xuân Thân lập luận: "tôi quan niệm là chính quyền của nhà nước ta là 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không nằm trong hệ thống cấp chính quyền địa phương này". Theo đại biểu Thân thì cần phân biệt sự khác nhau giữa cấp chính quyền địa phương và chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương bắt buộc phải có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
Do đại biểu còn có ý kiến khác nhau, ông Thân đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật. Thẩm quyền giải thích Hiến pháp thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải thích được điều này thì bảo đảm ban hành luật này sẽ không vi Hiến, đại biểu Thân phát biểu.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, vào giữa năm 2018.