Giám định để giải quyết án tham nhũng, kinh tế: Có vụ kéo dài... 5 năm
Một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn bị kéo dài
Đó là thực tế được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, được xem xét tại phiên họp sáng 5/9 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.
Thực hiện giám sát này, Uỷ ban Tư pháp nhận định, số lượng các vụ giám định tư pháp được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng nhiều.
Lĩnh vực kỹ thuật hình sự trong công an nhân dân trung bình mỗi năm tiến hành giám định gần 75.000 vụ. Lực lượng pháp y công an tiến hành giám định trung bình mỗi năm 12.811 vụ việc.
Liên quan đến giám định vụ việc, nêu những hạn chế, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn bị kéo dài.
Ông Pha cho biết, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện đúng theo thời hạn tại điều 208 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì các trường hợp khác, việc thực hiện giám định thường bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu theo quyết định của cơ quan tố tụng. Cá biệt có vụ án thời gian giám định kéo dài tới 5 năm, ông Pha nhấn mạnh.
Báo cáo giám sát cho biết, kéo dài tới 5 năm chính là vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank Việt Nam. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á châu cũng được nhận xét chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản.
Báo cáo giám sát cũng nêu rõ, việc cử người giám định ở các bộ, ngành thường không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Thủ tục tiếp nhận trưng cầu giám định và cử cá nhân, tổ chức thực hiện giám định còn chậm trễ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng.
Cơ quan giám sát cũng nhấn mạnh, nhiều bộ ngành có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, từ chối không thực hiện quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, có vụ việc thì bộ, ngành từ chối giám định khi chưa có quyết định khởi tố vụ án.
Phó chủ nhiệm Pha dẫn nhận định rất đáng chú ý tại báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an. Cơ quan này cho rằng, đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán.
Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản phải thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán, thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân thì giám định tài chính vẫn có thể có quan điểm cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng (vì công trình chưa quyết toán), nên chưa cấu thành tội phạm. Đây là một thực tế diễn ra tương đối phổ biến trong công tác điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác giám định theo vụ việc để có giải pháp xử lý cụ thể, nếu không sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo giám sát cũng nêu khó khăn nữa là kinh phí phục vụ cho công tác giám định trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng cao, việc cấp kinh phí chậm trễ trong khi thời hạn điều tra vụ án bị giới hạn, dẫn đến quá trình xử lý vụ án bị kéo dài hoặc không thể xử lý được.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nói thêm, việc giám định tư pháp các vụ án loại này liên quan đến rất nhiều bộ ngành, từ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học Công nghệ, Tài chính… nên đòi hỏi tính phối hợp rất cao, giám định viên phải có trình độ, hiểu biết đa ngành.
Theo Thứ trưởng thì các bộ ngành cần có kế hoạch xây dựng tổ chức giám định vụ việc của mình để cơ quan tư pháp có thể gửi yêu cầu giám định đúng người, đúng việc.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng chia sẻ, chi phí giám định là vướng mắc rất lớn, Bộ Công an hiện nay "nợ" các tổ chức giám định rất nhiều, ngay khi ông đang họp tại đây cũng có người đến "đòi nợ" chi phí giám định.
Ông Vương lấy ví dụ, giám định vụ vỡ đường ống nước sông Đà, chi phí lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Hay vụ Phan VĂn Anh Vũ phải trưng cầu giám định với khối lượng rất lớn, 31 nhà công sản, 9dự án về đất đai, địa phương làm không xuể.