17:14 20/12/2017

Giám đốc quỹ PYN Elite nói về thương vụ mua gần 5% cổ phần TPBank

Thùy Trang

"Điều tôi thích nhất ở TPBank là việc ngân hàng biết chọn lọc trong việc sử dụng nguồn lực"

Ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư PYN Elite Fund.
Ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư PYN Elite Fund.

Cho rằng cá nhân nhận thấy nhiều điểm chung trong quan điểm hoạt động của quỹ và ngân hàng, ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite Fund cho rằng PYN Elite Fund đã rất nhanh chóng đi đến quyết định đầu tư vào TPBank.

PYN Elite Fund vừa đạt thỏa thuận mua gần 5% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), trị giá khoảng 40 triệu USD. Đây là khoản đầu tư mới lớn nhất của quỹ Phần Lan (đang quản lý danh mục gần 500 triệu USD) kể từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2013.

Bên lề lễ ký kết đầu tư vào TPBank, ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư PYN Elite Fund, chia sẻ về thương vụ này.

Thỏa thuận đầu tư gần 40 triệu USD mà PYN Elite Fund vào với TPBank là một trong những bước đi đầu tiên mà quỹ thực hiện với ngành ngân hàng Việt Nam. Ông nhận như thế nào về triển vọng của ngành này?

Triển vọng của ngành ngân hàng và kinh tế vĩ mô luôn gắn liền với nhau. PYN Elite Fund giữ cái nhìn rất lạc quan về tình hình vĩ mô của Việt Nam trong 5-10 năm tới, nên chúng tôi cũng nghĩ rằng đầu tư vào ngành ngân hàng sẽ rất thú vị.

Các ngân hàng cỡ vừa đang dành nhiều nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), phát triển các dịch vụ mới và hướng vào khách hàng. Nhóm các ngân hàng trên sẽ kinh doanh trội hơn bình quân ngành và họ là những địa chỉ tiềm năng để đầu tư.

Vậy cụ thể với trường hợp của TPBank thì sao thưa ông?

Khi nhìn vào từng ngân hàng riêng lẻ, TPBank có thể kết hợp cách quản lý thận trọng và những ý tưởng sáng tạo để tạo ra lợi nhuận. Chúng tôi nhanh chóng đưa ra quyết định về thương vụ này.

Tuy nhiên, điều tôi thích nhất ở TPBank là việc ngân hàng biết chọn lọc trong việc sử dụng nguồn lực. Họ không cố gắng làm mọi thứ. Ngân hàng biết rõ họ không có nhiều nguồn lực nên rất thận trọng trong mỗi bước đi. Tôi nghĩ rằng đó là chìa khóa thành công. Tôi tin với chiến lược này, cả doanh thu và lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt trong 5 năm tới.

Ông nói hai bên đều nhanh chóng đưa ra quyết định. Vậy thực tế việc đàm phán để đưa ra thỏa thuận đầu tư giữa PYN Elite Fund và TPBank nhanh đến mức nào?

Sau khi gặp ông Chủ tịch Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo, trên đường ra xe ôtô với với các đối tác, chúng tôi đã nói rằng mình muốn đầu tư vào TPBank. Quyết định này mất chưa đến 30 phút.

Tôi nghĩ rằng trong ngành này các bạn phải nắm rõ mình muốn gì hay không muốn gì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đó. Trong thương vụ này, tôi cảm thấy đối tác như bạn tri kỉ. Tất nhiên có thể có những thay đổi ở một số chi tiết hay con số sau đó, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng.

Bên cạnh việc mua cổ phần, PYN Elite Fund còn hỗ trợ những gì cho TPBank?

Chúng tôi có thể cam kết rằng quỹ sẽ cố gắng ủng hộ những bước đi của ban lãnh đạo ngân hàng. Chúng tôi sẽ lắng nghe và học hỏi để có thể đưa ra ý tưởng hay phản hồi. Dù vậy, tôi nghĩ ngân hàng sẽ chưa cần nhiều lời khuyên trong thời điểm này hay thậm chí là trong tương lai gần.

Gần đây PYN Elite Fund đã bán vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), ông đánh giá như thế nào về những khoản đầu tư này?

Tôi nghĩ rằng cả 3 đều là những thương vụ tốt. Cần phải giải thích thêm rằng chúng tôi vẫn là cổ đông của MWG trong dài hạn. Vấn đề duy nhất là pháp lý. Phần Lan không cho phép tỷ lệ sở hữu một cổ phiếu trong danh mục nhiều hơn 20%. Chúng tôi buộc phải bán đi một ít nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không rút vốn khỏi công ty này. Thực ra chúng tôi còn muốn mua thêm, quỹ chỉ bán vì phải hạ tỷ trọng nắm giữ.

Trong trường hợp của HBC, thời điểm đó chúng tôi cần tiền cho hoạt động IPO nên quyết định bán đi một ít.

Tôi nghĩ rằng công ty này sẽ có kết quả rất tốt trong quý 4 và năm tới trong khi P/E nhỏ hơn 6. Vì vậy, PYN Elite Fund chắc chắn sẽ tiếp tục giữ cổ phần công ty này.

Về DIG, Chính phủ khi đó quyết định thoái vốn nên quỹ bán một phần khoản đầu tư. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi các công ty có vốn Nhà nước được thoái vốn.

Vậy cảm nhận chung của ông về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp. Sau khủng hoảng năm 2007, nền kinh tế dần đi xuống trong 5 năm sau đó và chạm đáy trong 2012-2013. Vì vậy đây là lúc nền kinh tế đi lên và tôi nghĩ thời kỳ này sẽ kéo dài bởi không thấy dấu hiệu thị trường bị quá nóng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang kiểm soát tốt tình hình lạm phát.

Tôi coi giai đoạn từ 2013 đến nay là giai đoạn phục hồi. Trong 5 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển trong ngành sản xuất và dịch vụ cũng như tăng trưởng thực trong nền kinh tế nội địa. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam cũng vẫn đang tăng trưởng tích cực.