11:32 26/12/2018

Giới chuyên gia dự báo chứng khoán thế giới còn chưa ngừng giảm

Diệp Vũ

Giới chuyên gia dự báo chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục trượt dốc trong thời gian đầu năm 2019

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Biến động mạnh ở Phố Wall đã lan rộng khắp thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng gần đây, khiến nhiều chỉ số chìm sâu vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Giới chuyên gia dự báo chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục trượt dốc trong thời gian đầu năm 2019 - hãng tin CNBC cho hay.

Thị trường đầu cơ giá xuống, hay còn gọi là "thị trường gấu" - được định nghĩa là giảm 20% kể từ mức đỉnh gần nhất - đang đe dọa nhà đầu cơ trên toàn cầu.

Tại Mỹ, chỉ số Nasdaq đã rơi vào trạng thái này từ hôm thứ Sáu tuần trước, tiếp đó là chỉ số S&P 500 vào thứ Hai. Các chỉ số DAX của chứng khoán Đức, Shanghai Composite của Trung Quốc và Nikkei 225 của thị trường Nhật cũng đều đang ở trong "thị trường gấu".

Các chuyên gia nói rằng các rủi ro lớn đối với chứng khoán thế giới vẫn còn đó. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục nâng lãi suất, và mối lo về sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu dưới sức ép của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng lớn.

"Tôi muốn lạc quan hơn, nhưng không nhận thấy có nhiều yếu tố tích cực. Tôi cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến vào năm tới. Có lẽ chúng ta mới đi được một nửa chặng đường của thị trường đầu cơ giá xuống, và thị trường còn giảm nữa trong năm 2019", chiến lược gia Mark Jolley của CCB International Securities nhận định.

Theo vị chuyên gia này, rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu nằm ở lãi suất. FED dự định nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2019, và điều này sẽ khiến các công ty gặp khó trong việc vay vốn, dẫn tới nguy cơ vỡ nợ hoặc bị giảm điểm tín nhiệm. Rủi ro từ thị trường tín dụng sẽ lan sang thị trường chứng khoán, ông Jolley nhấn mạnh.

"Kịch bản chính của tôi sẽ là một sự kiện về tín dụng. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là những nhóm cổ phiếu tăng trưởng cao như công nghệ", ông Jolley nói.

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận chiến lược thuộc Mizuho Bank, cũng cho rằng ở thời điểm hiện nay, giới đầu tư chứng khoán toàn cầu có ít lý do để lạc quan hơn, bởi việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ đồng nghĩa có ít tiền để đầu tư hơn.

"Không có điều gì có thể thực sự thuyết phục thị trường mua trở lại, vì họ không chắc đây đã là đáy", ông Varathan nói với CNBC.

Ông Vasu Menon, Phó chủ tịch phụ trách quản lý tài sản của ngân hàng OCBC thì bày tỏ lo ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang trở lại vào tháng 3 - thời điểm kết thúc thỏa thuận "ngừng bắn" thương mại giữa hai nước.

Xung đột thương mại đã trở thành một rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì lý do này.

Ông Menon cho rằng những bấp bênh về thương mại sẽ còn phủ bóng lên thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng tới, cho tới khi đạt tới sự rõ ràng về việc cuộc chiến này sẽ đi theo hướng nào sau 90 ngày "đình chiến".

"Mức định giá cổ phiếu hiện nay có vẻ hấp dẫn. Nhưng nhà đầu tư cần phải có một tâm lý ham thích rủi ro mạnh thì mới dám mua, vì tôi cho rằng thị trường sắp tới sẽ còn biến động nhiều", ông Menon nói.