11:53 16/07/2019

Giữa xung đột thương mại, Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo Nhật Bản

An Huy

Bước leo thang mới nhất trong xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thóng Hàn Quốc Moon Jae-in tại thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019 - Ảnh: Kyodo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thóng Hàn Quốc Moon Jae-in tại thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019 - Ảnh: Kyodo.

Tổng thống Moon Jae-in ngày 15/7 cảnh báo Nhật Bản rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đều sẽ "không thành công". Lời cảnh báo đánh dấu bước leo thang mới nhất trong xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Theo hãng tin Bloomberg, trong một cuộc họp nội các, ông Moon nói ông hiểu rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Nhật Bản đưa ra mới đây nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc và "năng lực cạnh tranh quốc gia cốt lõi" của nước này. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng các công ty trong nước sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Nhật Bản.

"Chúng ta sẽ vượt qua được tình thế này, cho dù có diễn ra kịch bản nào đi chăng nữa", ông Moon nói. "Hàn Quốc đi đến được ngày hôm nay là nhờ vượt qua những thách thức to lớn hơn thế này".

Hôm thứ Sáu, giới chức Hàn-Nhật đã có cuộc gặp đầu tiên để thảo luận về mâu thuẫn thương mại này. Cuộc gặp để lộ ra mối chia rẽ sâu sắc giữa hai đồng minh thân cận của Mỹ. Sau cuộc gặp, cả hai đưa ra những thông tin trái ngược nhau về nội dung thảo luận.

Mâu thuẫn trên được cho là bắt nguồn từ việc một tòa án Hàn Quốc tháng 10/2018 ra phán quyết yêu cầu hãng thép Nippon Steel của Nhật Bản phải bồi thường cho những lao động trước đây bị ép buộc làm việc cho công ty này trong thời gian Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên từ 1910-1945. Nhật Bản nổi giận vì phán quyết này, nói rằng vấn đề lao động bị ép buộc đã được giải quyết đầy đủ vào năm 1965 khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao.

Gần đây, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu đặc biệt cần thiết cho việc sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình máy tính và điện thoại thông minh (smartphone).

Tokyo nói rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu này không liên quan đến bất đồng với Seoul về vấn đề lao động cưỡng ép. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập luận rằng biện pháp hạn chế là cần thiết để đảm bảo vật liệu quý của Nhật Bản không bị bán cho đối tượng không phù hợp.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đang chính trị hóa vấn đề và sử dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu để gây khó dễ, đồng thời giành lợi thế chính trị cho đảng cầm quyền trước một cuộc bầu cử.

Hiện Nhật Bản đã gia hạn cho Hàn Quốc đến ngày thứ Năm tuần này phải đáp ứng yêu cầu tìm trọng tài bên thứ ba phân xử việc tòa án Hàn Quốc tiến hành việc tịch biên tài sản đối với một số công ty Nhật bị buộc tội cho các vụ kiện lao động cưỡng ép.

Mâu thuẫn diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm đối với Tổng thống Moon, khi xuất khẩu sụt giảm và thất nghiệp tăng gây áp lực lớn lên nền kinh tế Hàn Quốc. Tuần trước, Chính phủ nước này buộc phải hoãn một kế hoạch về tăng lương cơ bản - một dấu hiệu cho thấy mối lo về tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn.

Tuần trước, ông Moon đã có cuộc gặp với lãnh đạo khoảng 30 công ty lớn của Hàn Quốc, gồm Samsung Electronics, SK Group, Hyundai Motor, Lotte... Tại cuộc gặp, ông kêu gọi các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đấu kéo dài với Nhật Bản.

Trong cuộc họp nội các ngày thứ Hai, ông Moon nói các biện pháp của Nhật Bản có thể gây tổn hại cho chính nền kinh tế Nhật, còn các công ty Hàn Quốc sẽ tìm được nguồn cung mới.

"Biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản khác với các biện pháp bảo hộ thương mại kiểu truyền thống, cũng như khác về mục đích", ông Moon nói. "Biện pháp này phá vỡ khuôn khổ hợp tác kinh tế Hàn-Nhật vốn đã trở nên ràng buộc lẫn nhau trong nửa thế kỷ qua".

Lời cảnh báo này của ông Moon đồng quan điểm với đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings. Trong một báo cáo ra ngày thứ Hai, Fitch nói việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể gây tổn hại cho chính các nhà cung cấp Nhật Bản.

Kết quả một cuộc khảo sát của Realmeter công bố hôm thứ Năm cho thấy khoảng 67% người Hàn Quốc được hỏi cho biết sẵn sàng tham gia phong trào mang tên "Tẩy chay Nhật Bản" về ngừng mua sản phẩm nhập khẩu từ Nhật.

"Xung đột thương mại kéo dài giữa hai nước có thể phản tác dụng và gây hại cho các công ty Nhật Bản trong dài hạn", báo cáo của Fitch viết.