09:06 24/05/2018

Góc nhìn: Lời xin lỗi “hy hữu” tại nghị trường

Nguyên Thảo

Mỗi đại biểu Quốc hội đều có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân, song không thể đại diện cho tập thể khi không được sự đồng ý

Phiên thảo luận tổ 16 sáng 22/5.
Phiên thảo luận tổ 16 sáng 22/5.

Trong văn hóa nghị trường không hiếm những lời xin lỗi với tinh thần trách nhiệm và cầu thị.

Nhưng lời xin lỗi được dẫn trong một bài báo trên tờ báo điện tử khá đông người đọc vào đầu giờ chiều ngày 22/5, sau phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, dường như lại là lời xin lỗi khá hy hữu.

"Báo cáo tóm tắt không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính, mà người dân không đọc được báo cáo đầy đủ, chỉ tiếp cận báo cáo không đầy đủ, là một thiếu sót. Chúng tôi xin lỗi Chính phủ". 

Đoạn trích trên đây từ bài báo có tiêu đề: "Báo cáo thẩm tra "thiếu đầy đủ", Uỷ ban Kinh tế xin lỗi chính phủ".

Sáng hôm đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách.

Bối cảnh ra đời bài báo trên từ tổ thảo luận 16 với sự có mặt của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Dương Quốc Anh.

Uỷ ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018.

Tại phiên thảo luận tổ, không ít đại biểu ở các tổ khác nhau bày tỏ sự đồng tình với bản báo cáo thẩm tra này.

Tuy nhiên, theo tường thuật ở nhiều tờ báo (bao gồm cả bài báo nói trên) thì Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo thẩm tra chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. 

Ông cũng nêu một số nội dung cụ thể được cho là "chưa khách quan" trong báo cáo thẩm tra, trong đó có nhận định về động lực tăng trưởng.

Bài báo trên tường thuật, sau khi Phó thủ tướng phát biểu ở tổ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho biết: báo cáo thẩm tra được thực hiện theo quy trình lấy ý kiến, thẩm định đầy đủ. Vì giới hạn thời gian trình bày các báo cáo tại kỳ họp, Uỷ ban Kinh tế đã xin phép Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội. Báo cáo đầy đủ đã được gửi tới tất cả các đại biểu Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế trình bày báo cáo tóm tắt nên không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính.

Rồi ông Dương Quốc Anh nói lời xin lỗi như đã nêu ở đầu bài viết này.

Nếu chỉ nhìn vào tiêu đề bài báo thì có thể hiểu là báo cáo thẩm tra không đầy đủ về mặt nội dung nên ông Phó chủ nhiệm đã xin lỗi Chính phủ.

Nếu đọc đến cuối bài thì lại có thể hiểu rằng do bị giới hạn về mặt thời gian nên Uỷ ban chỉ trình bày được báo cáo tóm tắt, phiên họp đó lại truyền hình trực tiếp, nên công chúng có thể tiếp nhận thông tin không đầy đủ, và ông Phó chủ nhiệm nói lời xin lỗi vì việc này.

Nếu ở trường hợp thứ nhất, báo cáo thẩm tra đúng là chưa khách quan như Phó thủ tướng nhận xét thì khi ông Dương Quốc Anh dùng từ "chúng tôi", dễ gây hiểu nhầm là ông thay mặt tập thể cơ quan thẩm tra để xin lỗi Chính phủ. Nếu là quan điểm cá nhân thì lại khác. Thực tế trong trong phiên thảo luận tổ hôm đó, không ít đại biểu đã đồng tình và trích dẫn khá nhiều nhận định từ báo cáo của Ủy ban để phát biểu về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.

Còn nếu ở trường hợp thứ hai, vì báo cáo tóm tắt không thể nêu hết các khía cạnh đánh giá, thì lời xin lỗi cũng chưa hẳn đã chuẩn xác. Bởi giới hạn thời gian trình bày báo cáo là theo quy định chung đối với tất cả báo cáo ở các phiên toàn thể, chứ không phải do ý muốn chủ quan của Uỷ ban Kinh tế.

"Qua chuyện này, điều cần rút kinh nghiệm là mỗi đại biểu có quyền nêu quan điểm cá nhân về nội dung thảo luận nhưng không thể đại diện cho tập thể được, báo cáo thẩm tra là sản phẩm tập thể”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói bên hành lang Quốc hội chiều 23/5.