Góc nhìn mới về kinh tế ngoài nhà nước
Theo nghĩa hẹp, kinh tế tư nhân chỉ là một bộ phận của kinh tế ngoài nhà nước gồm tập thể, tư nhân, cá thể
Kinh tế tư nhân lâu nay được hiểu theo nghĩa rộng là kinh tế ngoài nhà nước; nhưng theo nghĩa hẹp, kinh tế tư nhân chỉ là một bộ phận của kinh tế ngoài nhà nước (gồm tập thể, tư nhân, cá thể).
Kinh tế tư nhân theo nghĩa hẹp là đúng với thực chất hơn, bởi nhiều nghĩa. Kinh tế tư nhân ra đời sau đổi mới; phát triển cùng với quá trình đổi mới liên tục, sâu, rộng ở trong nước. Kinh tế tư nhân gắn với doanh nhân và là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế.
Kinh tế tư nhân ra đời, lớn lên, nhưng chậm
Trước đổi mới, kinh tế tư nhân hầu như chưa có bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp; thậm chí kinh tế tư nhân còn bị coi là "con buôn".
Đại hội Đảng lần thứ 6 - Đại hội đổi mới - đã mở đường cho sự ra đời và phát triển kinh tế tư nhân; nhưng phải đến những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước), sau khi các luật, văn bản dưới luật ra đời, kinh tế tư nhân mới thực sự ra đời. Niên giám của Tổng cục Thống kê lần đầu tiên năm 1995 đưa ra con số tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP là 3,12%. Tỷ trọng nay gần như đã liên tục tăng lên trong các năm sau, cho đến 2018 ước tính đạt khoảng 10% (nếu tính GDP bao gồm cả thuế sản phẩm thì tỷ trọng này chiếm khoảng 9%).
Nếu xét riêng về doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 97% về số doanh nghiệp, chiếm khoảng 62% về số lao động, chiếm khoảng 53% về vốn sản xuất, chiếm khoảng 47% về tài sản cố định, chiếm khoảng 52% tổng thu nhập, chiếm khoảng 27% lợi nhuận trước thuế...
Nhìn tổng quát, kinh tế tư nhân ra đời và có sự lớn lên trong 3 thập kỷ qua, tỷ trọng về nhiều chỉ tiêu quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như trong khu vực doanh nghiệp đã tăng lên, có những tỷ trọng khá lớn (về lao động), hoặc cao hơn các loại hình khác (về vốn sản xuất, về tài sản cố định, về tổng thu nhập).
Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã đủ sức làm được những việc mà lâu nay vẫn thuộc độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước đã mở đường cho kinh tế tư nhân ra đời, phát triển; gần đây còn coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Nhiều chủ trương đã được đưa ra và thực hiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước (đưa số doanh nghiệp nhà nước từ hàng chục nghìn giảm xuống còn vài nghìn).
Công cuộc khởi nghiệp được đẩy mạnh, với thủ tục đăng ký, giấy phép, điều kiện kinh doanh giảm xuống, được hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Xã hội hóa được mở ra trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao (ngoài công lập hiện có 121 trường trung cấp chuyên nghiệp, 65 trường đại học, cao đẳng, hàng nghìn cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở văn hóa, thể thao...).
Một tầng lớp doanh nhân xuất hiện (hiện có 1,1 triệu chủ cơ sở sản xuất kinh doanh - chiếm trên 2% số lao động đang làm việc), số người làm công ăn lương có trên 23,2 triệu người, chiếm gần 43% tổng số lao động đang làm việc, tạo thành thị trường sức lao động, một tiền đề và là một nội dung quan trọng của thị trường sức lao động. Tư duy kinh tế thị trường xuất hiện, bước đầu phát triển và dần trở thành phổ biến...
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân lớn lên chậm. Tỷ trọng hầu hết về các chỉ tiêu khác đều thấp xa so với chỉ tiêu về số doanh nghiệp, nên bình quân doanh nghiệp về các chỉ tiêu này đều thấp xa so với các loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bình quân 1 doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ có trên 17 lao động, 281 triệu đồng vốn, 199 triệu đồng tài sản cố định, 109,9 triệu đồng doanh thu, 127,7 triệu đồng tổng thu nhập của người lao động... Thu nhập bình quân 1 lao động/tháng đạt 6.405 nghìn đồng, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,9%... Một số doanh nghiệp tư nhân đã có quy mô vượt trội, đã có một số doanh nhân được xếp vào danh sách tỷ phú USD trên thế giới.
Nhà nước và doanh nhân
Có hai yếu tố tác động đến sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân, có liên quan đến hai chủ thể chủ yếu của kinh tế tư nhân, đó là Nhà nước và doanh nhân.
Nhà nước là người tạo thể chế, hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân ra đời, hoạt động, ngăn chặn các tư duy, hành động cản trở sự ra đời và hoạt động của kinh tế tư nhân. Trước hết phải là lòng tin, khi mà không ít người vẫn còn tư duy "người giàu thì ghét" (chỉ đúng đối với người giàu do tham nhũng, luôn lậu, gian lận thương mại, chụp giật), mà không đúng đối với những người có vốn, có tài làm ăn, cạnh tranh bình đẳng.
Tư duy này dẫn đến tình trạng "vỗ béo làm thịt", hạn chế khát vọng khởi nghiệp, làm ăn của doanh nhân, doanh nghiệp. Thị trường giống như một sân chơi, có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, nhưng đã "chấm trước" cho "kẻ thắng, người thua".
Cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Tỷ lệ phần trăm cổ phần vốn nhà nước còn lớn. Nhà nước còn "ôm" nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm, hoạt động có thể giao cho tư nhân trong khi tư nhân làm tốt hơn. Nhà nước có chức năng chủ yếu là tạo ra hành lang pháp lý; kiểm tra kiểm soát việc hoạt động trong hành lang pháp lý đó; xử lý các hoạt động không tuân thủ, như độc quyền, lợi dụng độc quyền nhà nước, tạo thành nhóm lợi ích, "sân sau", "tham nhũng quyền lực", "tham nhũng chính sách"...
Doanh nhân cùng những khát vọng khởi nghiệp, tìm sự khác biệt, không kiêu ngạo thỏa mãn, năng động, ứng dụng khoa học- công nghệ mới, giảm thiểu chi phí, tìm chọn, biết dùng, biết giữ người tài, có thể bắt đầu từ công ty gia đình nhưng dần dần phải chuyển thành công ty cổ phần để tránh những hạn chế của không ít doanh nghiệp châu Á, tranh tình trạng "ăn chơi sớm" mà theo đuổi mục đích lâu dài...