Góc nhìn: Thắng lợi bước đầu của cuộc chiến chống tham nhũng
Rõ ràng là "không có vùng cấm", và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật!
Trong năm 2017 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội…, trong đó, những dấu mốc trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng được coi là lịch sử, bước đầu làm nức lòng nhân dân cả nước.
Với hàng loạt quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước phải chịu kỷ luật hoặc đối diện với công lý , cuộc chiến chống tham nhũng rõ ràng đã đạt được những kết quả rất cụ thể, tạo đà để giành những thắng lợi tiếp theo, với tinh thần "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy", như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại nạn tham nhũng, được ví như "giặc nội xâm". Những cán bộ cấp cao, thậm chí có người từng ở vị trí rất cao, cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý trước những vi phạm của mình.
Rõ ràng là "không có vùng cấm", và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật!
Vui mừng trước những thắng lợi mang tính đột phá của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhân dân càng thêm tin vào quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị, với đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, tin vào bản lĩnh, ý chí và nghị lực của những người "trực tiếp cầm súng" trên mặt trận đấu tranh cam go, phức tạp này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản…".
Thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong năm 2017 đã góp phần khẳng định nhận định của người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đấu tranh phòng chống tham nhũng rõ ràng đã trở thành một phong trào, một xu thế, với những "cách đánh" hiệu quả nên tạo được "hiệu suất chiến đấu" cao.
Tuy nhiên, thắng lợi đó cũng vẫn chỉ mang tính bước đầu.
Có thể nói rằng, phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất gian nan, phức tạp và hết sức lâu dài, không có điểm dừng. Nó đòi hỏi ý chí quyết tâm rất cao, không bao giờ được thỏa mãn với những gì đã làm được.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương được tổ chức ngày 28/12/2017 mà lần đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền… Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát".
Tổng bí thư cũng cho rằng làm tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ.
GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Cũng tại hội nghị nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng cho rằng báo cáo ở địa phương toàn thành tích, trong khi thực tế thì nguồn lực như đất đai chủ yếu ở địa phương nên tham nhũng từ đó mà ra. "Nhưng vừa qua chúng ta chống ở Trung ương nhiều. Người dân nói trên nóng dưới lạnh là nói cái đó".
Với cách đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là phải làm mạnh từ cơ sở.
Đất nước đang bước sang năm 2018 với sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, vừa quyết liệt chỉnh đốn Đảng, vừa quyết tâm chấn hưng nền kinh tế đất nước, không để những tàn tích từ quá khứ kéo lùi sự phát triển.
Mục tiêu của Đảng chống tham nhũng là để làm lành mạnh, trong sạch hệ thống nhằm đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững, để mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế.
Với tinh thần đó và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng nhằm "lọc" sạch bộ máy và đội ngũ để đất nước không ngừng phát triển, có cơ sở để tin rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 và những năm tiếp theo, dẫu còn gian nan, phức tạp, sẽ giành thêm nhiều thắng lợi.