11:37 26/08/2019

Grab tiết lộ sẽ rót "vài trăm triệu USD" để mở rộng tại Việt Nam

Ngọc Trang

Sau tuyên bố sẽ rót 2 tỷ USD vào Indonesia vài tuần trước, Grab tiết lộ ý định đầu tư mạnh để tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam

Việt Nam đang là một trong những thị trường lớn nhất của Grab tại Đông Nam Á - Ảnh: Getty Images.
Việt Nam đang là một trong những thị trường lớn nhất của Grab tại Đông Nam Á - Ảnh: Getty Images.

Theo nguồn tin của Reuters, startup gọi xe Grab dự định đầu tư "vài trăm triệu USD" vào Việt Nam, vài tuần sau tuyên bố sẽ rót 2 tỷ USD vào Indonesia. 

"Chúng tôi rất hào hứng về Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Indonesia", chủ tịch Grab Ming Maa chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. 

Trước đó, Grab cho biết kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào Indonesia trong vòng 5 năm tới nhằm xây dựng mạng lưới vận tải thế hệ mới và thay đổi các dịch vụ quan trọng như chăm sóc y tế tại quốc gia này. 

Ông Maa cho biết, cũng giống Indonesia, Việt Nam đang chứng kiến ngày càng nhiều khách hàng trung lưu và khách hàng dùng ứng dụng và website để tiếp cận các dịch vụ. 

"Chúng tôi có thể đầu tư vài trăm triệu USD để mở rộng hoạt động tại Việt Nam", Maa cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch đầu tư này. Theo ông, Việt Nam hiện đứng thứ ba hoặc thứ tư trong số các thị trường lớn nhất của Grab. 

Grab và đối thủ Indonesia Go-Jek đang đẩy mạnh mở rộng từ ứng dụng gọi xe thành "siêu ứng dụng" với nhiều dịch vụ từ thanh toán, giao đồ ăn, logistics và đặt phòng khách sạn tại Đông Nam Á.

Năm 2018, Grab đã hợp tác với hãng công nghệ tài chính Moca của Việt Nam để giới thiệu ví điện tử trên nền tảng ứng dụng của mình. Startup này cũng lập liên doanh với công ty thẻ tín dụng Nhật Bản Credit Saison để cung cấp khoản vay và phân tích tín dụng cho các khách hàng và doanh nhân nhỏ tại Đông Nam Á. 

Maa cho biết tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) từ dịch vụ giao đồ ăn của Grab đã tăng 300% trong nửa đầu năm 2019. GrabFood hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị GMV của công ty. Đây cũng là mảng mà Grab đang đầu tư mạnh để mở rộng thị phần. 

Bên cạnh mảng giao đồ ăn, Grab cũng đang mở rộng phát triển dịch vụ thanh toán để thúc đẩy các dịch vụ tài chính. 

"Chúng tôi mới chỉ đang đứng ở phần trên của tảng băng chìm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính", Maa nói và cho biết thêm rằng ví thanh toán điện tử mang lại cho Grab những dữ liệu giá trị về khách hàng và tài xế tham gia nền tảng. Công ty này muốn sử dụng những dữ liệu này để phát triển các sản phẩm tài chính chuyên biệt, bao gồm bảo hiểm, tín dụng và cuối cùng là quản lý tài sản. Ông Maa cho biết Grab đang quan tâm tới việc đăng ký xin cấp phép hoạt động ngân hàng điện tử tại Singapore. 

"Với việc tận dụng các lợi thế, chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tương tự nhưng với giá rẻ hơn so với các ngân hàng truyền thống", Maa cho biết. 

Grab, hiện có hơn 4,5 triệu đối tác tài xế tại Đông Nam Á, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu lên 2 tỷ USD trong năm nay. Maa tiết lộ rằng startup đã có lãi tại một thị trường và không có kế hoạch IPO.

Grab hiện là startup lớn nhất tại Đông Nam Á với định giá khoảng 14 tỷ USD. Starup này đã nhận được nhiều tỷ USD vốn đầu tư từ các công ty gồm SoftBank, Toyota, Microsoft, Didi Chuxing và Hyundai. 

Nền kinh tế số của Đông Nam Á được dự báo sẽ vượt giá trị 240 tỷ USD vào năm 2025 khi ngày càng nhiều người sử dụng di động thông minh (smartphone) để truy cập internet, theo một nghiên cứu năm ngoái của Google và Temasek Holdings.