GTN nói gì sau khi cổ phiếu lao dốc?
GTNfoods sở hữu nhiều thương hiệu nông nhiệp Việt nổi tiếng như Vinatea, sữa Mộc Châu, rượu vang Ladofoods
Công ty Cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa gửi thư tới cổ đông về việc giá cổ phiếu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Thời gian gần đây, cổ phiếu GTN có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, từ đầu tháng 2/2018 đến nay thị giá GTN từ 15.000 đồng/cổ phiếu giảm xuống chỉ còn 10.350 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 30,7%.
Nếu tính từ cuối năm 2017, khi thị trường chứng khoán lập đỉnh, cổ phiếu GTN lại đi ngược xu hướng thị trường và có xu hướng giảm. Đây là điều khiến nhiều cổ đông công ty thắc mắc trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh cổ phiếu có xu hướng giảm, ông Michael Louis Rosen, Tổng giám đốc của GTNfoods lại đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu.
Theo GTN, những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về việc cổ phiếu GTN có sự biến động khá lớn về giá, trong đó các cổ đông đặt câu hỏi về nguyên nhân, tình hình hoạt động và tương lai của doanh nghiệp.
Về vấn đề giá cổ phiếu biến động, Ban điều hành Công ty nhận định một số nguyên nhân sau có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Thứ nhất, Tổng giám đốc của công ty là ông Michael Louis Rosen đã đăng ký bán một phần số cổ phiếu đang nắm giữ. GTN cho biết đây là do nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn của cá nhân và việc này đã được thông báo và công bố theo đúng quy định. Trong trường hợp bán lượng cổ phiếu đã đăng ký thành công, ông Michael Louis Rosen vẫn sẽ là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất của GTNfoods.
Thứ hai, hiện tại có dự đoán trên thị trường về việc Quỹ ETF (FTSE Vietnam ETF) có thể thoái cổ phiếu GTN trong đợt tái cơ cấu quý của Quỹ này. Do vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
GTNfoods khẳng định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra ổn định, việc thay đổi giá là do yếu tố bên ngoài tác động.
Về kết quả kinh doanh, năm 2017, công ty có doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 108% so với số cùng kỳ, phần lớn nhờ giao dịch hợp nhất với mảng kinh doanh sữa.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (sữa và trà) tăng 690% so với cùng kỳ, đạt 2.962 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 4% lên 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ, tăng 116 tỷ đồng tương ứng 714% so với 2016. Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ đạt 14,4 tỷ.
Từ một doanh nghiệp mờ nhạt, không có gì ấn tượng, GTNfoods đã lột xác trở thành doanh nghiệp có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng sở hữu loạt thương hiệu đắt giá tại Việt Nam.
Năm 2015, GTNfoods đã chính thức sở hữu 35% Ladofoods - một thương hiệu rượu nổi tiếng của vùng cao nguyên Đà Lạt. Cũng trong năm này, GTNFoods đã chi hàng nghìn tỷ để sở hữu 95% Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea).
Miệt mài M&A, năm 2016 doanh nghiệp tiếp tục chi 1.330 tỷ đồng sở hữu 70% cổ phần tại Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) qua đó gián tiếp sở hữu 51% cổ phần của thương hiệu sữa Mộc Châu. Từ đây Mộc Châu trở thành "con bò vàng" đóng góp lớn nhất chiếm 80% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.