09:04 05/09/2019

Hạ viện Anh thông qua dự luật hoãn Brexit

An Huy

Không chỉ có vậy, kế hoạch của Thủ tướng Johnson về tổ chức một cuộc bầu cử sớm cũng bị Hạ viện Anh bác bỏ

Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Hạ viện Anh/Bloomberg.
Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Hạ viện Anh/Bloomberg.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 4/9 một lần nữa "mất mặt" khi Hạ viện nước này thông qua một dự luật hoãn việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit. Việc dự luật này được thông qua làm trệch hướng chiến lược sẵn sàng chấp nhận Brexit không thỏa thuận của ông Johnson.

Không chỉ có vậy, kế hoạch của ông Johnson về tổ chức một cuộc bầu cử sớm cũng bị Hạ viện bác bỏ. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, do đã đặt cược tất cả để thực hiện Brexit vào ngày 31/10, ông Johnson không thể lùi bước.

Do đã bị mất đa số ở Hạ viện, ông Johnson giờ đây bắt buộc phải tìm ra một cách nào đó để có thể tổ chức bầu cử sớm. Thông qua bầu cử sớm, ông hy vọng sẽ giành lại đa số ở Hạ viện, theo đó xóa bỏ dự luật hoãn Brexit mà Hạ viện vừa thông qua. Nếu không có bầu cử sớm, ông Johnson sẽ ở trong tình thế mắc kẹt và buộc phải đề nghị châu Âu cho hoãn Brexit.

Ông Johnson là vị Thủ tướng thứ ba của Đảng Bảo thủ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì Brexit. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit định mệnh của nước Anh vào mùa hè năm 2016, xứ sương mù đến nay đã chứng kiến hai vị Thủ tướng phải từ chức vì Brexit, là ông David Cameron và bà Theresa May.

Với 327 phiếu thuận và 299 phiếu chống, dự luật hoãn Brexit đã chính thức "qua cửa" Hạ viện Anh và đang chờ được Thượng viện nước này bỏ phiếu, dự kiến vào ngày thứ Hai tuần tới.

Với dự luật hoãn Brexit được Hạ viện thông qua, ông Johnson đề nghị bầu cử sớm vào ngày 15/10. Tuy nhiên, ông cũng không nhận được sự ủng hộ 2/3 cần thiết tại Hạ viện để tiến hành một cuộc bầu cử như vậy. Ngay từ đầu, các đảng đối lập gồm Công Đảng, Đảng Dân tộc Scotland, và Đảng Dân chủ tự do đều tuyên bố sẽ không ủng hộ kế hoạch bầu cử sớm của ông Johnson.

Ông Johnson, một thành viên cốt cán của chiến dịch vận động cho Brexit vào năm 2016, vẫn lập luận rằng việc đặt ra lựa chọn Brexit "cứng" trên bàn đàm phán với EU sẽ giúp củng cố vị thế của Anh nhằm đạt một thỏa thuận Brexit tốt hơn. Mặc dù vậy, nhiều nghị sỹ Anh, bao gồm cả các nghị sỹ Đảng Bảo thủ cầm quyền, lo ngại rằng Brexit "cứng" sẽ thực sự xảy ra, gây thảm họa cho nền kinh tế.

Hôm thứ Ba, ông Johnson đã khai trừ 21 nghị sỹ Bảo thủ phản đối chiến lược Brexit của ông.

Trong một cuộc tranh luận nảy lửa với thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn tại Hạ viện Anh ngày 4/9, ông Johnson thách thức đối thủ chấp nhận tổ chức bầu cử sớm vào 15/10.

"Tôi xin mới thủ lĩnh phe đối lập xác nhận rằng nếu dự luật hoãn Brexit được thông qua, ông ấy sẽ cho phép người dân của dất nước này bày tỏ quan điểm của họ thông qua một cuộc bầu cử vào ngày 15/10", ông Johnson nói.

Tuy nhiên, ông Corbyn và các thủ lĩnh đảng đối lập khác tuyên bố quyết tâm muốn chặn hoàn toàn khả năng Brexit không thỏa thuận trước khi nhất trí tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào.

Từ năm 2015 đến nay, nước Anh đã trải qua hai cuộc tổng tuyển cử, cùng với cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào năm 2016 - khi 52% cử tri Anh chọn rời EU.