14:26 23/07/2019

Hai rủi ro lớn nhất với nền kinh tế

Bạch Huệ

VCBS cảnh báo hai rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong đó có nhân tố chịu tác động từ việc đồng CNY giảm giá

Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều thách thức bên cạnh những cơ hội hiện hữu.
Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều thách thức bên cạnh những cơ hội hiện hữu.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa có báo cáo vĩ mô 6 tháng năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất khẩu theo FTA vượt 46 tỷ USD

Theo VCBS, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA, và tăng 5% so với năm 2017.

Về cơ cấu mặt hàng, trong khi, mặt hàng nông sản tận dụng khá tốt ưu đãi thuế quan; Mặt hàng công nghiệp: tỷ lệ chưa cao do quy tắc xuất xứ phức tạp hơn.

VCBS đánh giá dư địa tăng với tỷ lệ tận dụng thuế quan vẫn còn từ một số Hiệp định thương mại đã ký tiêu biểu như Ấn Độ, Chi lê, Hàn Quốc,… Sắp tới là các kỳ vọng với Hiệp định CPTPP, EVFTA hay RCEP.

"Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nguồn lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để hưởng các ưu đãi thuế quan. Kỳ vọng tác động lên thể chế trong trung hạn nhằm đáp ứng các cam kết trong các Hiệp định FTA", báo cáo nêu.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của từng FTA, đặc biệt các sản phẩm công nghiệp. Do đó, cần sự chuẩn bị và thích nghi nhanh chóng của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều FTA có tính tiến bộ cao đòi hỏi những chuẩn mực về sở hữu trí tuệ, minh bạch thông tin trong hoạt động đầu tư công.

VCBS cho rằng điểm nhấn đầu tư trong năm 2019 cũng như trong trung hạn là cơ hội từ các Hiệp định tự do với dòng vốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Dựa trên những phân tích cơ bản về vĩ mô, VCBS nhận định năm 2019, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,75%- 6,86%. Trong đó, dòng vốn đầu tư FDI tiếp tục là nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế. Chi đầu tư công dự báo sẽ chỉ cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2019. Tăng trưởng tổng cầu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục được duy trì.

Các dự án, công trình tiếp tục đi vào vận hành, khai thác: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lò cao 2 Formosa, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhóm doanh nghiệp  FDI dù không còn tăng trưởng đột biến vẫn là động lực quan trọng với nền kinh tế. Mức đóng góp ổn định của khu vực nông nghiệp.

"Như vậy, năm 2019 bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam có gam màu sáng chủ đạo. Tuy vậy, đặt trong một bối cảnh yếu tố bất định gia tăng vượt khả năng dự báo, nhà đầu tư cần sàng lọc cơ hội lợi nhuận nhiều hơn và đa dạng hóa danh mục nhằm cân đối giữa loại hình sản phẩm, lợi nhuận tiềm năng và rủi ro chấp nhận", báo cáo nêu.

Trong các năm gần đây, Chính phủ cho thấy quan điểm nhất quán về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô với lạm phát mục tiêu. Với việc chỉ tiêu tỷ lệ nợ công/GDP được dự báo ở ngưỡng an toàn và trong tầm kiểm soát, Chính phủ sẽ có nhiều dư địa để thực hiện các mục tiêu dài hạn trong đó quan trọng phải kể đến tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đưa hệ thống dần tiếp cận chuẩn mức quốc tế Basel 2.

Tuy nhiên, với bối cảnh thế giới mang nhiều yếu tố bất định và khó kiểm soát, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ vẫn sẽ là duy trì sự ổn định, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thu hút dòng vốn vào Việt Nam để tận hưởng những lợi thế rõ ràng: Môi trường chính trị ổn định; Nền kinh tế tăng trưởng tốt, cơ cấu dân số tương đối trẻ và lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công tương đối cạnh tranh; Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định với định hướng giảm bớt rào cản gia nhập thị trường và kêu gọi đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp).

Hai rủi ro lớn nhất với kinh tế vĩ mô 

VCBS cho rằng trong thời điểm hiện tại, Việt Nam có 2 rủi ro lớn nhất với các yếu tố kinh tế vĩ mô. Thứ nhất, khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Việt Nam, dù khả năng này không cao. 

Theo đó, Việt Nam có nguy cơ chịu các biện pháp trường phạt của Mỹ. Về thương mại, Việt Nam là quốc gia nằm trong 10 quốc gia có Mỹ có thâm hụt thương mại lớn và liên tục có xu hướng tăng. Việt Nam là có nguy cơ trở thành quốc gia để nhiều nước lợi dụng để né các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên, theo phân tích của VCBS, Việt Nam chưa hội tụ động cơ để Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (ngoại trừ điện thoại từ Samsung) chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ,… có hàm lượng công nghệ không cao.

Tỷ trọng thương mại Việt Nam trong tổng thể hoạt động thương mại của Mỹ rất nhỏ (tháng 5/2019 chiếm 1,8%). Cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng nhất, các vấn đề thương mại được Mỹ khơi mào có cả những động cơ chính trị thay vì thương mại đơn thuần.

Rủi ro thứ hai được VCBS chỉ ra đó là Trung Quốc điều hành thắt chặt tiền tệ nhằm đối mặt với khủng hoảng. Trong quá khứ thời điểm, đồng CNY giảm giá mạnh năm 2015, VND cũng có bước giảm giá mạnh và đột ngột.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đã làm quen với khả năng căng thẳng thương mại chưa thể sớm chấm dứt. Đồng thời về phía Trung Quốc, các biện pháp thích nghi với căng thẳng thương mại kéo dài tiếp cũng đa dạng hơn, loại bỏ mọi hạn chế đối với sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực môi giới, bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020; cắt giảm hạn chế đối với ngành viễn thông và giao thông-vận tải hay tuyên bố cởi mở hơn, minh bạch hơn đối với đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn nữa nhằm giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài.