Ham quẹt thẻ tín dụng, người Mỹ gặp nguy khi lãi suất tăng
Chi tiêu thẻ tín dụng của người Mỹ tăng mạnh, trong khi lãi suất ở nước này ngày càng tăng
Một nền kinh tế tăng trưởng tốt đôi khi lại là một điều nguy hiểm, nhất là đối với người Mỹ.
Theo hãng tin Bloomberg, người Mỹ có hẳn một lịch sử vay nợ quá đà mỗi khi nền kinh tế nước này tăng trưởng khả quan, để rồi gặp khó khăn khi những khoản nợ đó đến hạn thanh toán. Chưa kể, kinh tế tăng trưởng tốt thường đi kèm với lãi suất tăng, khiến cho các khoản vay thế chấp, nợ thẻ tín dụng, và các khoản vay khác trở nên đắt đỏ hơn.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng dần lãi suất, đã có những tín hiệu cho thấy người tiêu dùng nước này đang tự đặt mình vào một lối đi nguy hiểm.
Theo báo cáo Nilson Report được Bloomberg trích dẫn, chi tiêu thẻ tín dụng ở Mỹ đã tăng 9,4% trong năm 2017, đạt mức 3,5 nghìn tỷ USD. Các vụ vỡ nợ thẻ đang trên đà gia tăng. Dữ liệu của FED cho thấy nợ của hộ gia đình Mỹ trong quý 4/2017 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2007.
"Đã xuất hiện những tín hiệu cảnh báo", nhà phân tích cấp cao Kevin Morrison thuộc Aite Group đánh giá. Theo vị chuyên gia, đặc biệt đáng lo ngại là các khoản vay học tập và vay mua xe tăng chóng mặt trong thập kỷ qua.
Vào hôm 21/3 vừa qua, FED nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 1,5-1,75%. Theo dự báo, ngân hàng trung ương này sẽ có thêm 2-3 lần nâng lãi suất trong năm 2018.
Lãi suất Libor - một lãi suất liên ngân hàng tham chiếu của thế giới - cũng đang tăng. Tuần trước, lãi suất Libro lên mức 2,3%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Các khoản vay thế chấp nhà với lãi suất thả nổi (adjustable-rate mortgages, gọi tắt là ARM) thường được neo vào lãi suất Libor, và thường được điều chỉnh mỗi năm một lần. ARM đã trở thành một vấn đề lớn trong thời kỳ khủng hoảng thị trường địa ốc ở Mỹ, sau khi nhiều hộ gia đình ở nước này sử dụng các khoản vay ARM để mua nhà.
Tuy nhiên, một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính, có một tin tốt là các khoản vay ARM đã giảm đi nhiều.
Ngoài ra, phần lớn các khoản vay thế chấp nhà, vay mua ôtô, vay học tập đều là những khoản vay lãi suất cố định, với mức lãi suất không được điều chỉnh theo lãi suất FED hay Libor.
Bởi vậy, nỗi lo tài chính lớn nhất đối với nhiều hộ gia đình Mỹ hiện nay có lẽ nằm ở nợ thẻ tín dụng. Lãi suất nợ thẻ tín dụng được neo trực tiếp vào lãi suất cơ bản mà FED đưa ra. FED tăng lãi suất bao nhiêu, thì lãi nợ thẻ tín dụng cũng tăng lên bằng đó sau 1-2 tháng.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang rất thấp, nhưng thu nhập của người Mỹ vẫn duy trì tốc độ tăng chậm chạp như suốt mấy thập kỷ qua.
Một cuộc khảo sát do CFPB thực hiện cho thấy chưa đầy 40% người tiêu dùng Mỹ luôn trả đầy đủ nợ thẻ tín dụng hàng tháng. Một nghiên cứu vào năm 2016 của Finra Investor Education Foundation cho thấy cứ 5 người Mỹ thì chỉ có 2 người nói có thể chi tiêu ít hơn số tiền họ kiếm được.