09:25 28/10/2019

Hạn chế và ngừng dùng bao bì nhựa: Cần có lộ trình và phối hợp thực hiện đồng bộ

Vũ Khuê

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết, nhưng với thực tế hiện nay, việc này cần có lộ trình thực hiện, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền, cộng đồng, người dân.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm.

Chỉ có 17% túi nilon được tái sử dụng

Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại hai thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. 

Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm.

Có thể nhận thấy, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. 

Riêng Tp.HCM, mỗi ngày có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân. Tại hội thảo "Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương", ông Nguyễn Duy Thái, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng, lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành công thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Mặt khác, chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu, nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn bất cập. 

Giá các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy thấp, dễ mua. Sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao... Trong khi đó, chúng ta chưa xác định được nhu cầu sử dụng nhựa tái chế từ phế liệu...

Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi sản xuất các loại túi nilon thân thiện với môi trường. Do yêu cầu túi nilon thân thiện với môi trường trước khi được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận thì nhà sản xuất phải có kiểm nghiệm "ĐẠT" về khả năng tự phân hủy tại phòng thí nghiệm được cấp phép tại Ấn Độ, Thụy Điển. Tiêu chuẩn kiểm nghiệm này rất khắt khe trong khi tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp phép kiểm nghiệm. 

Mặt khác, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường trong tiêu thụ sản phẩm. Bởi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc, cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cả 3 bên cùng vào cuộc

Để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương nói riêng, ông Đặng Chương Linh, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Vụ đang triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. 

Cụ thể, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. 

Đồng thời, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong các chương trình đang triển khai thực hiện.

Việc loại bỏ túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, theo ông Linh, cần sự vào cuộc của 3 bên. 

Đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hàng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. 

Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. 

Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nylon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống. 

"Việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết. Nhưng thực tế hiện nay, việc này không thể thực hiện ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn, thay vào đó cần có lộ trình, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, triển khai từng bước một cách hợp lý", ông Linh nhấn mạnh. 

Ông Phạm Trọng Thu, Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương.

Theo Chỉ thị, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các sở công thương triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Đối với các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp của ngành, Bộ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị này có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ công nhân viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào "chống rác thải nhựa". 

Cùng đó, nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng trong đơn vị...