17:04 25/10/2019

Hàn Quốc chấp nhận bỏ trạng thái "quốc gia đang phát triển"

Ngọc Trang

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á, duy trì trạng thái là một quốc gia đang phát triển từ năm 1995 để bảo vệ ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam Ki (chính giữa)người cầm báo cáo) công bố quyết định từ bỏ tình trạng quốc gia đang phát triển của Hàn Quốc tại WTO - Ảnh: Yonhap.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam Ki (chính giữa)người cầm báo cáo) công bố quyết định từ bỏ tình trạng quốc gia đang phát triển của Hàn Quốc tại WTO - Ảnh: Yonhap.

Ngày 25/10, Hàn Quốc tuyên bố sẽ ngừng nhận những đãi ngộ đặc biệt dành cho các quốc gia đang phát triển trong các đàm phán tương lai tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo Yonhap.

Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực nhằm đảm bảo rằng các nước thành viên WTO không lợi dụng tình trạng quốc gia đang phát triển để hưởng các chính sách đặc biệt. 

Mỹ yêu cầu WTO tước bỏ trạng thái này của một số nước thành viên nếu các nước này đáp ứng 4 tiêu chí, bao gồm nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển G20, thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là quốc gia có thu nhập cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và đóng góp ít nhất 0,5% thương mại toàn cầu. Hàn Quốc đáp ứng cả 4 tiêu chí này. 

"Chính phủ quyết định sẽ không nhận những đãi ngộ đặc biệt với tư cách là một quốc gia đang phát triển", Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết ngày 25/10. 

Tuy nhiên, ông Hong cho biết quyết định này "không phải nhằm xoá bỏ tình trạng quốc gia đang phát triển, mà nhằm từ bỏ những đãi ngộ đặc biệt trong các cuộc đàm phán từ nay về sau". Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc thừa nhận rằng khả năng nước này được cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia đang phát triển trong các đàm phá tương lai tại WTO là rất thấp. Vì vậy, nếu không nhanh chóng đưa ra quyết định, Hàn Quốc có thể mất lợi thế khi đàm phán.

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á, duy trì trạng thái là quốc gia đang phát triển từ năm 1995 để bảo vệ ngành nông nghiệp. Đây là trạng thái nước này tự phong. 

Với quyết định trên, Hàn Quốc sẽ phải nỗ lực để bảo vệ các khu vực nhạy cảm của ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, trong các cuộc đàm phán tương lai tại WTO. Ông Hong khẳng định nước này có đủ thời gian và nguồn lực để chuẩn bị cho những ảnh hưởng trong tương lai.

Tuy vậy, động thái trên của chính phủ Hàn Quốc bị nông dân nước này phản đối kịch liệt. Hôm 18/10, nhiều nông dân đã tổ chức biểu tình gần văn phòng tổng thống Hàn Quốc yêu cầu chính phủ duy trì trạng thái "quốc gia đang phát triển" tại WTO.